Chưa tận dụng hết các nguồn tăng thu ngân sách

Chưa tận dụng hết các nguồn tăng thu ngân sách

Liên tục tăng thu so với dự toán, nhưng năm nay sẽ là năm đầu tiên sau nhiều năm, ngân sách bị hụt thu với con số lên tới 60.000 tỷ đồng. Chưa khi nào vấn đề thu ngân sách lại trở nên nóng bỏng như năm 2013. Đóng góp cho giải pháp tăng thu, mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất 5 biện pháp giúp tăng thu ngân sách. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI, đây chính là những tiềm năng của nền kinh tế còn chưa được khai thác.

* Phóng viên: Dựa vào đâu mà VAFI đưa ra các đề xuất để tăng thu ngân sách này?

Ông Nguyễn Hoàng Hải.

Ông Nguyễn Hoàng Hải.

* Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI: Tôi cho rằng những giải pháp mà chúng tôi đưa ra hoàn toàn khả thi trong cả ngắn hạn và dài hạn để tăng và thu ngân sách bền vững. Thứ nhất, đó là tập trung bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước hay công ty đã cổ phần hóa lớn, kinh doanh hiệu quả như Mobifone, Viettel, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk… ngân sách nhà nước sẽ thu về trên 5 tỷ USD. Nếu không bán cổ phần nhà nước và để như tình trạng hiện nay thì khối tài sản khổng lồ đó không được sử dụng hiệu quả trong khi nhà nước liên tục phải đi vay để đầu tư phát triển với chi phí tốn kém.

Thứ hai là Hà Nội, TPHCM nên đi tiên phong trong việc bán những bất động sản có giá trị lớn nằm ở các vị trí trung tâm để lấy tiền xây dựng các đường tàu điện nội đô, giải quyết nhanh tình trạng ách tắc giao thông hiện nay. Những bất động sản đắt giá tại các trục lớn đang không mang lại một đồng ngân sách nào cho các thành phố, nếu chúng làm ra lợi nhuận thì lại được phân phối về doanh nghiệp nhà nước và rồi có thể bị thiệt hại do doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải, đi vay nợ nhiều. Thứ ba là sử dụng giải pháp kỹ thuật để chuyển nhanh những tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh hiệu quả thành công ty cổ phần.

Mục đích của giải pháp này là thu cổ tức hàng năm từ những doanh nghiệp đang được hưởng những đặc quyền kinh doanh lớn. Thứ tư là đưa kinh doanh vàng miếng, vàng nhẫn vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ô tô, xe máy... vì bản chất của vàng miếng, vàng nhẫn là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết. Cuối cùng là nhà nước cần phải xác định thị trường chứng khoán là mặt trận kinh tế hàng đầu, là nơi bơm vốn cho toàn bộ nền kinh tế trong đó có nhiệm vụ bơm vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại chứ không phải là quan niệm chỉ hệ thống ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho nền kinh tế. Từ đó cần xác định phải ưu tiên xây dựng thị trường chứng khoán trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế nòng cốt của đất nước.

Giải pháp thì có nhiều nhưng tôi cho rằng đó là các biện pháp trọng tâm hiện nay và sẽ giúp cải thiện thu ngân sách trong ngắn hạn cũng như lâu dài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, từ đó tăng thu ngân sách.

* Nhưng, thưa ông, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn hiện nay thì việc bán bớt vốn nhà nước hay bất động sản tại các vị trí đẹp không phải dễ?

* Đúng là việc huy động nguồn vốn từ trong nước là khó khăn. Thế nhưng, nếu chúng ta có giải pháp tốt, mở cửa hơn cho nhà đầu tư nước ngoài thì cũng không khó khăn gì. Tôi được biết nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về các doanh nghiệp như Mobifone, Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn... và họ đã sẵn sàng trả giá để mua và thực tế họ cũng đã làm rồi. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà đầu tư lại đang có cảm giác là nhà nước không mặn mà với việc bán bớt phần vốn này. Trong khi việc này, nếu thực hiện được thì có thể mang lại cho nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Tương tự, bán các tài sản khác có thể chậm hơn nhưng tôi cho rằng cũng chỉ mất vài tháng nếu có giải pháp tốt.

* Như chuyện bán các tài sản là bất động sản hay cổ phần hóa chẳng hạn, ngoài chuyện khó bán do khó khăn của nền kinh tế còn có câu chuyện về tính chịu trách nhiệm. Người quyết định việc bán những tài sản đó có thể họ sẽ nghĩ rằng dễ bị rủi ro về sinh mạng chính trị nếu như bán rẻ. Cho nên, họ cũng không mặn mà với việc này?

* Để tránh những tiêu cực cũng như các điều tiếng, tôi cho rằng cần đưa những tài sản cần bán đó ra đấu giá một cách công khai, minh bạch. Đi kèm với đó là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Nếu làm được điều đó thì những lo ngại trên sẽ không còn. Vào mỗi thời điểm, hoàn cảnh sẽ có các mức giá khác nhau và không thể lấy mức giá khi thị trường sôi động để tham chiếu cho hiện nay. Khái niệm đắt, rẻ cũng chỉ mang tính chất tương đối.

* Theo ông, trong các giải pháp đề ra, đâu là quan trọng nhất?

* Thu ngân sách gặp khó khăn có nguyên nhân quan trọng là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản nên giải pháp đặt ra là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các biện pháp hỗ trợ đã được thực hiện, theo tôi là cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng có một suy nghĩ khác trong bối cảnh hiện nay. Đó là, dù dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều nhưng cơ quan quản lý cần phải tiếp tục tiến hành mạnh mẽ hơn nữa việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để từ đó có giải pháp về việc tiếp tục hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là cần tìm cách đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, kích thích sự phát triển của thị trường chứng khoán để từ đó trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp thay vì trông chờ vào kênh tín dụng.

Riêng về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tôi cho rằng, quá trình này thời gian qua là quá chậm. Chính sự chậm trễ này cùng khó khăn của nền kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước bộc lộ các yếu kém về quản trị doanh nghiệp. Chẳng hạn như Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Dù chỉ việc đào tài nguyên lên để xuất khẩu nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi cho rằng, sự yếu kém đó có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có việc quản trị doanh nghiệp.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng, cả nước có hơn 58.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước), 42.400 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cũng có 11.299 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Những số liệu trên cho thấy, bức tranh kinh tế đã dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo ông tại sao việc thu ngân sách lại vẫn còn khó?

* Đúng là nhìn vào các số liệu trên cho thấy có vẻ như doanh nghiệp có niềm tin hơn vào kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, để có cái nhìn xác thực hơn thì cần phải có những phân tích sâu hơn về cơ cấu, ngành nghề doanh nghiệp thành lập mới cũng như phá sản. Bởi việc đăng ký thành lập một hay vài doanh nghiệp là khá đơn giản, thế nhưng doanh nghiệp mà phá sản, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, lớn thì lại khác và sẽ gây ra nhiều hệ lụy, tác động hơn so với doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực mới thành lập. Mặt khác, chưa kể có nhiều doanh nghiệp đáng ra “chết” nhưng chưa được “chết” do sự phức tạp, rắc rối liên quan đến Luật Phá sản. Chính vì vậy, dù doanh nghiệp mới thành lập nhiều hơn nhưng thu ngân sách vẫn chưa được cải thiện là vì vậy.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục