Chuyện mùa thi

Chưa thành tài đã mang tật!

Ép quá hóa… tâm thần
Chưa thành tài đã mang tật!

Mùa thi đại học bắt đầu, cũng là lúc Viện Sức khỏe tâm thần, hay chuyên khoa thần kinh ở nhiều bệnh viện đa khoa lại phải tiếp nhận không ít bệnh nhân là những học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần, trầm cảm.

Ép quá hóa… tâm thần

Lần giở chồng bệnh án của những bệnh nhân trẻ tuổi, BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai ngao ngán, “cứ bắt đầu vào đầu mùa hè, chúng tôi lại phải tiếp nhận nhiều cháu mắc các chứng bệnh liên quan tới thần kinh chỉ vì những áp lực của chuyện học hành, thi cử. Nhiều đứa trông rõ là khôi ngô, xinh đẹp mà lại ngây ngây ngô ngô. Tội quá”.

Chưa thành tài đã mang tật! ảnh 1
Điện não đồ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà NộiẢnh: D.KHANH
Chưa thành tài đã mang tật! ảnh 2
Mệt mỏi trong lớp học không là chuyện hiếm thấy.

Tại khu điều trị chuyên khoa Tâm thần kinh, chỉ vào một thanh niên đang ngồi ngơ ngẩn, BS Tuấn cho biết, đó là N.X.H, một thanh niên Hà thành chính gốc vừa trở về từ cõi chết, sau khi uống cả vốc thuốc ngủ. Là học sinh giỏi nhiều năm liền, gia đình khá giả, mọi người và bạn bè đều thấy một tương lai màu hồng đang trải ra trước mắt N.X.H. Vậy mà N.X.H tự tử. May mà gia đình phát hiện và đưa tới viện kịp thời. Mẹ của N.X.H tâm sự với bác sĩ: “Chỉ vì quan tâm, động viên quá mức mà vợ chồng tôi đã đẩy thằng bé tới tình cảnh này…”.

N.X.H là con trai duy nhất trong nhà nên dù đã học lớp 12 nhưng bố mẹ cậu vẫn chăm cậu như chăm “em bé”. Ngôi nhà thân yêu và bố mẹ bỗng trở thành “chiếc lồng son” quản lý chặt chẽ từ giờ giấc học hành, sinh hoạt đến vui chơi, với một mục đích duy nhất là để N.X.H  học thật giỏi và không bị nhiễm các thói hư tật xấu. Với cách quan tâm thái quá thậm chí là cực đoan của gia đình đã khiến cho N.X.H từ một chàng trai vui tính trở thành một người lầm lì và cuối cùng là tìm đến cái chết.

Một trưòng hợp khác là em T, 18 tuổi, ở Hải Phòng cũng vừa mới nhập viện. Là một học sinh giỏi lớp chuyên của một trường nổi tiếng khiến bố mẹ em càng thêm tự hào, hãnh diện về cô con gái học giỏi, ngoan ngoãn.

Trước kỳ thi tốt nghiệp, bố mẹ T đột nhiên thấy con gái trầm lặng, ít nói hay cáu gắt và thường ôm đầu ngồi hàng giờ trong phòng riêng. Đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán em bị suy nhược thần kinh và rối loạn tâm thần. Sau nhiều lần tìm hiểu, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân chính là áp lực từ phía gia đình.

Vì cha mẹ lúc nào cũng động viên T phải cố gắng học “cho bằng bạn bằng bè”, học để không “uổng công cha mẹ” nên cô bé suốt ngày miệt mài lao vào học. Sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ và “cuộc ganh đua” của những học sinh lớp chuyên dần dần trở thành áp lực nặng nề đối với T!

 Hãy lắng nghe con cái

Không có thuốc nâng cao trí thông minh

Hiện nay, trên thị trường dược phẩm có nhiều loại thuốc được quảng cáo khá rầm rộ về chức năng bồi bổ trí óc, tăng cường trí thông minh, tốt cho việc học hành và thi cử. Tuy nhiên, BS Tuấn khuyến cáo, các gia đình không nên quá tin tưởng và lạm dụng những loại thuốc trên đối với con cái, nhất là vào mùa thi. Bởi lẽ cho tới nay, trên thế giới chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh sau khi uống các loại thuốc trên có thể nâng cao trí thông minh.

Những trường hợp như N.X.H hay T không phải là hiếm mỗi khi mùa thi tới. Bác sĩ  Tuấn cho biết, vài năm trở lại đây, viện đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 12 – 22 xuất hiện các triệu chứng của rối loạn tâm thần và trầm cảm. Nghiên cứu qua nhiều trường hợp cho thấy, nguyên nhân là áp lực về mặt học tập, đặc biệt là trước các kỳ thi.

BS Tuấn cho rằng, các em phải học ngày, học đêm, nhồi nhét kiến thức, khiến trẻ căng thẳng, quá tải và dẫn tới những thương tổn về mặt thần kinh. Điều nguy hiểm hơn, các bậc cha mẹ hầu như  rất ít để ý đến những biểu hiện bước đầu mang tính bệnh lý về mặt thần kinh của con.

Nhiều gia đình còn cho đấy là những cách “chống đối” của các em đối với gia đình dẫn đến những hành động cực đoan hơn. Hậy quả là tạo thêm những chấn thương về mặt tâm lý đối với các em, dẫn đến các bệnh rối loạn tâm thần, trầm cảm và thậm chí là ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Bác sĩ Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận nhiều cháu mới chỉ học cấp 1 nhưng đã có những tổn thương về mặt thần kinh, nguyên nhân cũng từ sức ép của việc học hành từ phía gia đình và nhà trường.

Theo một số chuyên gia thần kinh, để các em không bị mắc các bệnh lý về tâm thần kinh, đặc biệt trong giai đoạn thi cử thì điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy là những người bạn lớn của con.

Cha mẹ cần quan tâm đúng mức, gần gũi, chia sẻ và đặc biệt tránh tạo ra những sức ép để các em có thể tin cậy, bộc lộ tâm tư và tình cảm của mình. Khi thấy con em có những biểu hiện về rối loạn giấc ngủ, tự ti, ngại tiếp xúc với người xung quanh, khó tập trung, mệt mỏi và cáu gắt, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các tới cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh những tác động tiêu cực vì rất dễ dẫn tới hậu quả xấu đối với con em mình.

Quốc Lập

Tin cùng chuyên mục