Môi trường cho khu đô thị mới Thủ Thiêm

Chưa tìm ra phương án thuyết phục

Chưa tìm ra phương án thuyết phục

Ngập và những ảnh hưởng về môi trường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua. Những vấn đề này đã được các nhà khoa học “mổ xẻ” tại Hội thảo “Công tác tính toán thủy văn, thủy lực, diễn biến lòng sông bảo vệ bờ và môi trường khu đô thị mới Thủ Thiêm” tổ chức ngày 3-5 tại TPHCM.

  • Khi túi nước bị lấp đi

Chưa tìm ra phương án thuyết phục ảnh 1

Phối cảnh khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Thực ra đây là buổi báo cáo kết quả nghiên cứu những vấn đề liên quan đến thủy lực, thủy văn, môi trường… khi xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm do Phân viện Địa lý tại TPHCM (nhà thầu) thực hiện. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, quản lý có ý kiến phản biện trước khi đi đến kết luận cuối cùng.

GS Nguyễn Xuân Huy, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tổng diện tích khu đô thị mới Thủ Thiêm lên đến 737 ha, trong đó diện tích mặt nước và đầm lầy chiếm hơn 180 ha (25%), lúc thủy triều cao nhất khu vực này ngập đến 80%.

Chính vì vậy có thể nói đây là một “túi nước” rất lớn, có chức năng chứa nước khi thủy triều lên cao cũng như thoát nước khi có mưa. Theo tính toán, khi tiến hành xây dựng sẽ có hơn 1,8 triệu m3 nước điều tiết tại khu vực này bị san lấp, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những vùng xung quanh như khu vực quận 1 và Bình Thạnh.

Theo đề xuất của Công ty SaSaKi (Nhật Bản) - đơn vị trúng thầu thiết kế khu đô thị mới Thủ Thiêm - một trong những giải pháp chống ngập là nâng cốt nền lên 2,5m, trong khi đó nhóm nghiên cứu đề nghị “hạ cốt” còn 2m. Lượng đất cát cần cho việc nâng cốt nền toàn khu vực lên đến hơn 10 triệu m3.

Các giải pháp như cải tạo các kênh rạch còn lại, đào thêm hồ mới thay thế cho những hồ bị lấp đi, xây dựng đê bao, nước mưa có thể tận dụng để làm nước sinh hoạt cũng là một cách… chống ngập. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là vốn đầu tư. Mà nói đến tiền vốn thì tình cảnh chung là rơi vào… thế bí!

  • Bài toán cho đời sau

Những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái khi đô thị mới Thủ Thiêm mọc lên cần phải tính đến yếu tố phát triển bền vững hàng trăm năm sau. Bởi lẽ thế hệ mai sau sẽ trả giá nếu hôm nay chúng ta không tính kỹ. Nhiều ý kiến phát biểu như vậy tại buổi hội thảo.

Ông Thái Đình Khang tỏ vẻ băn khoăn về dự án của SaSaKi “có thực sự khoa học chưa?”. Ông cho rằng môi trường là vấn đề cần quan tâm nhất vì nếu Thủ Thiêm tập trung mật độ dân cư cao, kiến trúc đa số là xây dựng nhà cao tầng (20-30 tầng) chiếm đến gần 36% thì phải nghĩ đến mức độ ô nhiễm sau này. Nếu chúng ta không tính toán kỹ, có thể ô nhiễm ở Thủ Thiêm sẽ còn trầm trọng hơn một số quận nội thành hiện nay. Đó là chưa kể khi triều rút, nồng độ ô nhiễm càng cao thì hồ nước và các hệ sinh thái tại đây sẽ biến đổi khó lường.

Riêng vấn đề cốt san nền được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Cơ sở nào để SaSaKi đưa ra cần phải nâng cao 2,5m, cơ sở nào hạ xuống còn 2m? Theo đại diện Sở GTCC TPHCM, cốt san nền 2m hay 2,5m phải được tính toán thật kỹ để dự án mang tính ổn định lâu dài và hiệu quả. Hiện nay cốt san nền tại TP là 2m nhưng vẫn có nhiều nơi ngập do triều cường. Còn nếu nâng lên 2,5m thì liệu có gây ngập những khu vực khác?

Đại diện Sở GTCC đề xuất, các bờ sông đã ổn định, chỉ nên dùng bờ kè mềm cho đỡ tốn kém (nếu làm bờ kè cứng phải mất khoảng 100 tỷ đồng/km). Theo ông Vũ Hùng Việt, Trưởng ban Quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm nhận xét: Cả thành phố ngập mà Thủ Thiêm ở trên cao cũng không có ý nghĩa gì. Còn việc để tiết kiệm chi phí mà hạ cốt san nền xuống còn 2m để tiết kiệm khoảng 30 triệu USD so với dự án 10 tỷ USD là không đáng kể!

TS Nguyễn Văn Điềm, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, đây không chỉ là một công trình nghiên cứu khoa học mà nó có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Thủ Thiêm là đất nhiễm mặn theo mùa nhưng xét toàn cục thì đây là đất trầm tích sông biển. Do đó khi đào càng sâu thì độ mặn càng cao nên vấn đề sụt lún cũng cần phải quan tâm.

Ông Điềm đề nghị cấu trúc một hệ thống thoát nước mặt mang dáng dấp vùng châu thổ. Nhiều đại biểu cho rằng mở kênh số 3 và kênh Cá Trê lớn để làm tuyến giao thông là việc cần phải suy nghĩ lại. Theo KTS Lưu Trọng Hải thì mở kênh để lưu thông trong một đô thị hiện đại là điều không cần thiết, nhất là đô thị có tuyến sinh thái như Thủ Thiêm.

Ông cũng cho rằng không nên làm đê bao ở đây vì sẽ chắn tầm nhìn ra sông và từ sông nhìn vào TP. Một thành phố hiện đại, một dòng sông đẹp nhưng xây dựng đê bao chắn ngang sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị.

KTS Lưu Trọng Hải thắc mắc khi không thấy dự án đề cập đến nước mưa, trong khi đó tại TP cứ mưa là ngập. Hàng loạt vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái, tiêu thoát nước khi hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm còn đang được các cơ quan chức năng, các nhà khoa học tiếp tục đi tìm lời giải tối ưu.

TRÀ GIANG-HẠNH NHUNG

 

Tin cùng chuyên mục