Làng đại học Thủ Đức (giáp ranh giữa Thủ Đức, TPHCM và Dĩ An, Bình Dương) đang có đến hàng chục ngàn sinh viên (SV) cư ngụ và học tập. Việc tổ chức ổn định ăn ở cho số SV đông đảo này không đơn giản. Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo lắng về việc hàng ngày, con em mình đang trọ học tại đây vẫn phải ăn cơm trưa - chiều tại các hàng quán không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Ăn vì rẻ
Chúng tôi vào ăn trưa tại một quán cơm tương đối rộng rãi gần Đại học Khoa học Tự nhiên (khu phố 6, phường Linh Trung). Dĩa cơm thật khó nuốt vì hạt sống hạt nhão, thức ăn nguội lạnh và có mùi nồng của thức ăn cũ được chế biến lại. Thấy nồi canh còn ít, một người phục vụ liền bổ sung bằng cách đổ thêm nước sôi và nêm thêm gia vị. Các SV ăn tại đây cũng thấy, cũng biết, nhưng dường như cách làm đó đã quá quen thuộc với họ nên không ai thắc mắc gì. Chúng tôi ghé thêm một số quán cơm gần đó, đều thấy chất lượng kém. Quán cơm Ba Trâm khá chật chội, vừa là quán vừa là nơi ở của chủ quán và các nhân viên phục vụ, mọi sinh hoạt tắm giặt và sơ chế thức ăn đều diễn ra trong... nhà vệ sinh. Các thức ăn chín dự trữ đặt ở một góc khuất khá tối tăm. Còn thực phẩm sống, rau sống… đặt tạm trong nhà vệ sinh.
Chúng tôi hỏi thăm cô nhân viên một quán cơm trước cổng Đại học Khoa học tự nhiên về việc thức ăn của quán không bán hết trong ngày thì xử lý ra sao, cô thành thật cho biết: “Thức ăn hôm trước không bán hết sẽ được chế biến chung với thức ăn mới, hoặc làm nguyên liệu để chế biến thành món khác. Hôm nào quán tận dụng như vậy thì mỗi suất cơm có nhiều thức ăn hơn mọi khi một chút”.
Mỗi suất cơm ở các quán cơm bình dân bên ngoài chỉ 12.000 đồng, nên vẫn hút khách. Phần lớn khách hàng của các quán cơm ở Làng đại học là SV ở các khu nhà trọ bên ngoài. SV cho biết đến ăn tại các quán này chỉ vì giá rẻ và gần trường. SV Hoàng Kim Thúy (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) tâm sự: “Mỗi tháng gia đình cho 1,2 triệu đồng để trang trải cả tiền ăn và chi tiêu cá nhân, nên em phải thật tiết kiệm mới đủ. Dù thấy cơm ở quán không đảm bảo ATVSTP, nhưng rẻ hơn trong căn tin, nên tụi em vẫn ra đó ăn”. SV Trịnh Nam Cường (Đại học Khoa học tự nhiên) kể: “Đi chợ tốn kém quá, nên lâu rồi phòng trọ của tụi em không nấu ăn, hàng ngày ra quán cơm bình dân ở gần trường học. Ăn ở đây tiện mà giá rẻ hơn tự nấu nhiều lắm. Vẫn biết thức ăn kém chất lượng và chế biến không đảm bảo vệ sinh, nhưng đành chịu, vì quán nào cũng vậy. Muốn đảm bảo chất lượng và vệ sinh hơn một chút thì phải đi cách đây 3km mới có”.
Cơm ký túc xá khó cạnh tranh
SV Hoàng Thị Hồng Thắm (Đại học Kinh tế - Luật) cho biết: “Cơm ký túc xá (KTX) rất ngon, cơm canh ăn thoải mái, không gian thoáng mát sạch sẽ, nhưng thường tụi em ở trường cả ngày nên trưa ngại về KTX ăn cơm. Chỉ khi chiều về thuận tiện mới ghé KTX ăn, còn nếu đi làm thêm hoặc có hẹn với đám bạn đi chơi thì coi như bỏ cơm KTX luôn, ăn ngoài quán cho tiện”.
Ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐHQG TPHCM, cho biết: “Hiện KTX có 6 nhà ăn, với mục đích phục vụ SV, nên giá cả cũng phù hợp với túi tiền SV. Việc kiểm tra chất lượng ATVSTP ở các nhà ăn trong KTX khá nghiêm ngặt. Để vào được cổng KTX, các đầu mối giao hàng phải có giấy xác nhận ATVSTP, sau đó bác sĩ của KTX sẽ đi kiểm tra trước khi sơ chế, khi thức ăn lên món, mỗi món đều phải lưu mẫu, đề phòng trường hợp bị ngộ độc thực phẩm sẽ có mẫu để xác định nguyên nhân. KTX còn đưa nhân viên các nhà ăn đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần và mỗi năm đều mời Trung tâm Y tế dự phòng quận trực tiếp sang tập huấn về ATVSTP”. Chị Đỗ Thị Thúy, chủ quán cơm căn tin A13 khu A và BA4 khu B, người có kinh nghiệm hơn 12 năm nấu ăn trong nhà ăn của KTX, khẳng định: “Chúng tôi phải tuyệt đối đảm bảo chất lượng thực phẩm và vệ sinh khi nấu nướng, không được sử dụng thức ăn cũ để chế biến lại. Nếu để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe của SV hoặc có phản ánh không tốt về nhà ăn, phải giải trình với Ban giám đốc KTX”.
Nhờ có những quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt mà hơn 15 năm qua, KTX chưa xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm. Giá cả phù hợp, an toàn và vệ sinh là vậy, nhưng vì nằm tách biệt với trường học nên thường rất ít SV đến ăn tại nhà ăn KTX. Theo khảo sát ở các nhà ăn, hàng ngày mỗi nhà ăn chỉ bán ra được khoảng 300 - 500 suất, như vậy tính trên tổng số SV đang ở Làng đại học, tỷ lệ trên là quá thấp.
THU HƯỜNG