
Chương trình tích hợp Anh – Việt Nam tại TPHCM
Việc Sở GD-ĐT TPHCM vừa phê duyệt danh sách với 89 trường tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông được phép triển khai Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” cho thấy sức hấp dẫn, hiệu quả ban đầu mà chương trình đang mang lại. Theo đó, danh sách phê duyệt có 47 trường tiểu học, 26 trường Trung học cơ sở, 16 trường Trung học phổ thông.
Bước đầu đáng khích lệ
Bé Hà My, học sinh lớp 13 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thích thú kể: “Tụi con thích học tích hợp lắm. Thầy nước ngoài chỉ cần chỉ hình vẽ và nói là tụi con hiểu liền. Thầy còn dạy cho tụi con nhiều bài hát, tập nhiều trò chơi, vừa nhảy vừa nói nên tụi con biết nhiều từ tiếng Anh lắm”. Còn bé Linh Chuyên thì sành sỏi khoe: “Lớp 1 tụi con có 2 lớp tích hợp. Tụi con học lúc nào cũng về trễ hơn mấy bạn không học tích hợp. Nhưng mà vui lắm, thầy dạy dễ hiểu và con cũng biết nhiều từ vựng lắm”. Tuy các bé chưa rành cả tiếng Việt nhưng trong vở bài tập tiếng Anh, các bé đều cố gắng điền vào những từ tiếng Anh rất đúng với hình ảnh. Khả năng nói và tiếp xúc người nước ngoài thật tự nhiên, lưu loát.
Từ học kỳ 2 năm học 2014-2015, khoảng 600 học sinh đầu cấp là lớp 1 và lớp 6 của 18 trường tiểu học, THCS đã đăng ký học theo Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” do Sở GD-ĐT TPHCM triển khai. Sau một thời gian ngắn thực hiện, các trường đều đánh giá tốt về chương trình và phụ huynh cũng có phản hồi tích cực trước kết quả học tập của con mình. Các học sinh tham gia đều hứng thú với chương trình, phương pháp dạy học tiên tiến, nhất là học theo nhóm, học đi đôi với hành. Cụ thể, học sinh lớp 1 và lớp 6 được làm quen với chương trình về ngôn ngữ tiếng Anh và kiến thức của bộ môn Toán, Khoa học và phần đông đều vượt qua yêu cầu của chương trình.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết, trường có hơn 80 học sinh lớp 6 tham gia. Sau 18 tuần theo học, 90% học sinh đạt yêu cầu đặt ra, chỉ có 10% tiếp thu chậm hơn, cần cố gắng hơn để theo kịp các bạn cùng lớp. Từ thực tế dự giờ, cô Thúy An đưa ra nhận xét: “Những giờ học bằng tiếng Anh với giáo viên bản ngữ luôn vui nhộn, học sinh năng động và hứng thú học tập”. Không những thế, chứng kiến hình ảnh giáo viên bản ngữ tận tụy, hết lòng với học sinh Việt Nam, trong đó có động tác gần gũi như quỳ xuống lắng nghe học trò nói cũng khiến cô và nhiều giáo viên trong trường phải suy ngẫm, học tập.

Học sinh tham gia lớp học tích hợp chương trình Anh – Việt tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 TPHCM. Ảnh: Quang Khoa
Khả năng tương thích cao hơn
Để có đánh giá khách quan, Trường THPT Lương Thế Vinh đã tiến hành khảo sát đối với 22 học sinh lớp 6 đang theo học chương trình. Đa số các em, trong đó có nhiều em đã học ở các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài đều có chung nhận xét chương trình hay, nội dung phong phú, giờ học sinh động, vui nhộn nhờ kết hợp với nhiều trò chơi và giáo viên nước ngoài dạy dễ hiểu, lắng nghe học trò…
Bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 chia sẻ: “Bốn trường tiểu học và một trường THCS ở quận 5 thực hiện chương trình này. Chương trình có cơ sở pháp lý chặt chẽ từ quy định đến hướng dẫn thu chi rõ ràng nên chúng tôi yên tâm làm để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh. Với mức học phí tương đương các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài, phụ huynh tự nguyện đăng ký rất đông. Sau 4 tháng triển khai, học sinh tiến bộ rõ rệt cả bốn kỹ năng ngôn ngữ, tự tin hơn trong giao tiếp”.
Theo bà Võ Ngọc Thu, so với chương trình Cambridge trước đây, dạy chương trình tích hợp không gây xáo trộn việc học tập của HS giữa giờ học tiếng Việt và giờ học tiếng Anh. Phần giao thoa giữa hai chương trình do giáo viên bản ngữ dạy, giáo viên Việt Nam chỉ củng cố lại kiến thức ở nội dung này và dạy kiến thức mới nên HS đỡ vất vả hơn.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Chương trình được biên soạn tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT cho ba môn Toán, tiếng Anh và Khoa học (lý, hóa, sinh). Giáo viên bản ngữ được tập huấn về phương pháp giảng dạy tích hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL) trực tiếp giảng dạy những môn này. Học sinh được tiếp cận chương trình tiên tiến, nhưng giảm tải về nội dung. Học tích hợp, học sinh được làm bài thi theo tiêu chuẩn đầu ra và lấy chứng chỉ quốc tế của Hội đồng khảo thí lớn nhất của Anh là Edexcel Pearson hoặc tham dự các kỳ thi TOEFL, IELTS, TOEIC… để đi du học. Hết mỗi cấp học, học sinh được công nhận, cấp bằng của Bộ GD-ĐT”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, không phải lệ thuộc vào các yêu cầu khắt khe về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học như chương trình Cambridge nên một số trường chưa tham gia chương trình Cambridge cũng mạnh dạn triển khai chương trình tích hợp. Ban đầu, 100% giáo viên bản ngữ đứng lớp. Sau đó, giáo viên Việt Nam sẽ được đưa đi đào tạo để thay thế dần giáo viên bản ngữ nhằm giảm chi phí cho người học.
Phúc Nguyên