Anh bạn tôi sống tại căn hộ chung cư giá rẻ ở tầng 16. Hai vợ chồng đều là công chức, thu nhập cũng khá nên chịu khó đầu tư mua sắm các trang thiết bị gia đình.
Tôi hỏi bạn tôi: “Vậy con trai anh sau khi đi học ở trường, về nhà có nơi để vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể thao cùng các bạn trong chung cư hay không?”. Anh bạn tôi cho biết: “Ở chung cư này không có khái niệm sinh hoạt cộng đồng. Sau giờ học, trẻ em chỉ ở trong căn hộ, học tập, xem tivi, chơi games trên máy tính và ngủ nghỉ. Tầng 1 có sân chơi nhưng đã dành để kinh doanh các loại dịch vụ và làm nơi để xe. Vậy cư dân ở đây có giao tiếp thân thiện với nhau? Anh bạn tôi không chần chừ thừa nhận không quan tâm giao tiếp, không quen biết với các cư dân khác trong chung cư.
Nghe chuyện gia đình anh bạn tôi ở nhà chung cư mà thật buồn. Những chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều do tính chất đô thị hóa, nhưng tính chất quan hệ người và người ngày càng bị thu hẹp. Những người ở chung cư từ nhiều nơi khác chuyển đến, họ không có mối quan hệ ràng buộc, không phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Thiết bị hư hỏng có dịch vụ theo số điện thoại; đồ ăn uống sẵn chỉ cần gọi điện là có người phục vụ; thế nên không thấy nhu cầu nhờ cậy nhau, giúp đỡ nhau. Phần lớn cư dân sống theo cách cẩn trọng “ra đóng vào khóa”, thậm chí hai gia đình sống cạnh nhau đến 2 năm vẫn không hề biết tên nhau và hoàn cảnh sống của nhau.
Không phải ở chung cư con người không muốn quan hệ với nhau, nhưng do tính chất quan hệ công việc, do đặc thù nguyên tắc đô thị chi phối và do cả việc tổ chức các hoạt động và nội quy sinh hoạt cộng đồng còn lỏng lẻo nên cư dân không sống thân thiện với nhau. Tất nhiên, những đứa trẻ sẽ bị thiệt thòi nhất. Tại sao ta hay phải lo âu vì biểu hiện trẻ thờ ơ vô cảm, trơ lỳ tâm lý, thực dụng? Điều này bắt nguồn từ việc tổ chức cuộc sống ở nơi cư trú, mà người lớn phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Những đứa trẻ lớn lên sẽ thiếu hụt sự đồng cảm, chia sẻ với cộng đồng, càng bó hẹp không gian càng rút ngắn cơ hội quan hệ, giao tiếp. Cách sống “ra đóng vào khóa” sẽ làm cho tâm hồn trẻ ngày càng lão hóa, máy móc, lạnh nhạt, cái tôi cá nhân lấn át tập thể, sống thực dụng chỉ biết quan tâm đến bản thân.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN CÔNG
(Đại học Nguyễn Huệ, Đồng Nai)