
(SGGPO).- Sau hơn 2 tháng diễn ra, với trên 500 thí sinh của 36 tỉnh thành tranh tài, cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ lần V – 2010 đã khép lại bằng đêm chung kết xếp hạng vào tối 29 – 9. Trong đêm chung kết xếp hạng, với 2 phần thi tài của 3 thí sinh Bùi Trung Đẳng (SN 1983, Cần Thơ), Nguyễn Bình Trọng (1979, Kiên Giang) và Đặng Thị Mỹ Vân (SN 1982, Bến Tre) đã mang lại cho khán giả mộ điệu nhiều cảm xúc.
Thí sinh Nguyễn Bình Trọng, sau khi thể hiện trích đoạn “Rạng ngọc Côn Sơn” (tác giả Xuân Phong) và bản vọng cổ “Hướng về Thăng Long thương nhớ” (tác giả Huỳnh Anh), đạt số điểm 19, 96, đoạt giải ba, đồng thời tiếp tục được đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ yêu thích bình chọn và lần thứ 5 đoạt giải thưởng khán giả yêu thích nhất.

Nguyễn Bình Trọng (phải) và NSƯT Kim Tử Long trong trích đoạn "Rạng ngọc Côn Sơn"
Theo đánh giả của thành viên Hội đồng giám khảo – NSND Thanh Tòng, Nguyễn Bình Trọng có giọng ca sáng, làm sang cho bản vọng cổ và cách nhả chữ trong ca của làm cho nhiều người nhớ đến giọng ca của Khôi nguyên vọng cổ Minh Vương. Còn với gương mặt nữ duy nhất được vào chung kết xếp hạng – Đặng Thị Mỹ Vân, trong đêm thi, Mỹ Vân có nhiều cố gắng đáng khích lệ qua hai phần thi trích đoạn “Người tình trên chiến trận” (tác giả Mộc Linh, Nguyên Thảo) và bản vọng cổ “Bên mái nhà sàn” (tác giả Diệp Vàm Cỏ), đạt 19, 97 điểm, đoạt chuông bạc và cả giải thưởng do Hội đồng báo chí bình chọn. NSƯT Bạch Tuyết, thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét, Mỹ Vân thể hiện được bản lĩnh của mình trong đêm thi, đặc biệt là trong trích đoạn “Người tình trên chiến trận”, Mỹ Vân thể hiện xuất sắc.
Với thí sinh có cách ca luyến láy giống NSƯT Thanh Tuấn là Bùi Trung Đẳng, sau hai phần thi “Tiếng Hạc trong trăng” (tác giả Yên Ba, Loan Thảo) và bản vọng cổ “Sáng mãi vầng thái dương” (tác giả Phi Hùng), đạt 19,98 điểm, đoạt giải chuông vàng. Khi nhận xét về “bản sao” của mình, NSƯT Thanh Tuấn cho rằng, Bùi Trung Đẳng có giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, vóc dáng đẹp, rất sáng cho sân khấu cải lương…

Chuông vàng Bùi Trung Đẳng (giữa), chuông bạc Đặng Thị Mỹ Vân (phải) và giải ba Nguyễn Bình Trọng
Có thể nói, sau 5 năm diễn ra, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đã góp phần phát hiện nhiều giọng ca triển vọng cho sân khấu cải lương. Điều khá thú vị là, những giọng ca mà cuộc thi phát hiện ra, ngày càng trưởng thành, chứng tỏ được giọng ca của mình với công chúng mộ điệu. Ở đêm chung kết 3 của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần V – 2010, khi các giọng ca Chuông vàng, Chuông bạc của các năm trước như: Võ Minh Lâm, Hồ Ngọc Trinh, Võ Thành Phê, Lê Văn Gàn, Ngọc Đợi và Trần Thị Thu Vân hỗ trợ các thí sinh năm nay dự thi đã tạo nên một đêm vọng cổ mà theo NSND – đạo diễn Huỳnh Nga, đó là một đêm nhiều cảm xúc và đáng nhớ nhất!
Cho nên, khi cuộc thi Chuông vàng vọng cổ khép lại, với các gương mặt đoạt được nhiều thứ hạng cao nhất, đó mới chỉ là bước khởi đầu. Nhưng, về lâu dài, những giọng ca này muốn ngày càng lấp lánh, chuông vàng thật sự ngân vang thì họ còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa!
Đỗ Hạnh