Chung tay lập lại trật tự đô thị

Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TPHCM, Đỗ Thị Lâm Tuyền nhận xét, 90% phản ánh của người dân địa phương về các trường hợp xây dựng không phép, sai phép là có căn cứ.
Người dân phát hiện, thông tin cho chính quyền về các ki-ốt xây dựng sai phép trên đường Lê Thị Kim
Người dân phát hiện, thông tin cho chính quyền về các ki-ốt xây dựng sai phép trên đường Lê Thị Kim

 Đây là cơ sở để cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Khi người dân đã đặt niềm tin và chung tay với chính quyền, các điểm nóng về vi phạm trật tự đô thị đã dần hạ nhiệt. 

Người dân cùng vào cuộc 

Hóc Môn là huyện ngoại thành đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Các xã tiếp giáp quận 12 như Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Thới Tam Thôn… đã mang dáng dấp đô thị hiện đại. Cùng với việc các doanh nghiệp đến đầu tư dự án nhà ở, xây dựng khu đô thị mới, nhiều người dân cũng tự tách thửa đất để xây dựng nhà ở, phòng trọ. Trong khi đó, có một số cán bộ chưa giám sát chặt địa bàn, lực lượng cán bộ chuyên trách và thanh tra xây dựng còn hạn chế về nhân sự và chuyên môn đã dẫn đến tình trạng xây dựng nhà ở, nhà xưởng không phép gia tăng. Có thời điểm, huyện Hóc Môn trở thành điểm nóng về xây dựng trái phép. 

Trước yêu cầu cấp thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng, biện pháp là vận động, tuyên truyền để người dân cùng tham gia giám sát, phản ánh kịp thời hành vi xây dựng trái phép từ cơ sở. Việc chính quyền địa phương đặt niềm tin vào người dân đã tạo bước chuyển biến tích cực trong việc quản lý đô thị. 

Một người dân ở ấp Xuân Thới Đông 1 (xã Xuân Thới Đông) gửi đơn đến Bí thư Huyện ủy phản ánh có người ở cùng ấp tự ý xây dựng nhà ở trên phần đất đường giao thông và gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường. Một người dân ở ấp Hưng Lân (xã Bà Điểm) gửi đơn cho Chủ tịch UBND huyện phản ánh một công trình xây dựng không phép và còn có thái độ thách thức đối với bà con trong khu vực. Một người dân ở ấp 4 (xã Xuân Thới Sơn) tố cáo  một chủ đất trên đường Lê Thị Kim có hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp…

Có nhiều trường hợp biến tướng trong xây dựng quy mô lớn cũng được người dân phát hiện như xin xây dựng trại chăn nuôi nhưng rồi biến thành nhà xưởng. Đối tượng vi phạm dùng những thủ thuật tinh vi hòng qua mặt cơ quan chức năng, nhưng khó tránh được sự giám sát của người dân. 

Tương tác giữa chính quyền và người dân

Để có nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy từ người dân, chính quyền phải tạo được niềm tin đối với dân; mỗi khi nhận đơn thư phản ánh, chính quyền phải khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý. Sau khi kiểm tra, xử lý đều có thông tin phản hồi để người dân biết và cùng giám sát. Ví dụ, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về một vụ xây dựng sai phép, các đơn vị chức năng của huyện đã khẩn trương vào cuộc. Kết quả kiểm tra cho thấy khu đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ đất xây dựng công trình khi đã được cấp giấy phép xây dựng. Riêng phần xây mái che phía trước có kết cấu cột sắt, mái tôn, tường xây gạch cao 3m, bên trong có vách ngăn bằng tấm xi măng, chia thành thành 8 ki-ốt. Đây là phần chủ nhà xây thêm không có giấy phép.

Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết: “Khi người dân chung tay cùng chính quyền vào cuộc đã giúp công tác lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng có chuyển biến tích cực. Do thông tin phản ánh ngay từ khi vụ việc xảy ra, nên khi xử lý ít gây tổn hại vật chất cho người vi phạm và tránh hình thành điểm nóng. Để phát huy sức mạnh của người dân vào công việc quản lý trật tự đô thị, huyện đang xây dựng chương trình tương tác giữa chính quyền với người dân, tiếp nhận phản ánh linh hoạt, đa dạng để thuận tiện, nhanh nhạy hơn, chứ không chỉ qua đơn thư như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục