Chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 13 - Món quà tinh thần, kỷ niệm khó quên

Chương trình học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 13 - Món quà tinh thần, kỷ niệm khó quên

Lễ trao học bổng Nguyễn Văn Hưởng lần thứ 13 (sẽ tổ chức vào ngày 28-6-2011) đang đến gần. Bên cạnh sự háo hức, phấn khởi của các bạn sinh viên Y Dược được xét chọn trao học bổng sắp tới, còn có tâm trạng bồi hồi về một kỷ niệm khó quên thời sinh viên của các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh trẻ từng nhận học bổng cao quý này.

Bác sĩ trẻ Hồ Quốc Cường, cựu sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Ảnh: LÃ CƯỜNG

Bác sĩ trẻ Hồ Quốc Cường, cựu sinh viên được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Ảnh: LÃ CƯỜNG

  • Hồ Quốc Cường (bác sĩ thực tập Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đại học Y Dược): Học bổng cho tôi sự tự tin bước vào tương lai

Tôi được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng cùng với các bạn lớp Y2003 chuyên ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào 2 năm học cuối (2008, 2009). Ngoài chi phí cho việc mua tài liệu, sách vở tôi còn phải trích một phần để trang trải cho việc ăn, ở. Do vậy, học bổng đã phần nào hỗ trợ chúng tôi giảm bớt nỗi lo về kinh tế để yên tâm học hành. Thời gian đó, tôi như được tiếp thêm nghị lực để vượt qua những năm tháng khó khăn này.

Tôi rất biết ơn những nhà tài trợ đã tin tưởng và đồng hành cùng chúng tôi trên con đường hướng tới tương lai. Hy vọng rằng, học bổng sẽ duy trì và hỗ trợ ngày càng nhiều những sinh viên gặp khó khăn như chúng tôi. Tôi nghĩ mình đã được gia đình và xã hội quan tâm, hỗ trợ rất nhiều trong quá trình học tập và làm việc vì thế tôi luôn tự nhắc nhở mình sẽ cố gắng luôn trau dồi chuyên môn để phục vụ tốt cho bệnh nhân và đáp lại lòng tin yêu của gia đình và xã hội.

  • Nguyễn Lưu Tôn Nữ (nữ hộ sinh Bệnh viện Hùng Vương): Cơ hội khẳng định năng lực của mình

Mặc dù ngành học trung cấp nữ hộ sinh có thời lượng đào tạo chỉ hơn 2 năm nhưng học bổng này có ý nghĩa thiết thực đối với con đường học vấn của tôi. Là một người con trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện xóa đói giảm nghèo ở huyện Củ Chi như tôi thì học bổng là một sự tiếp sức cần thiết. Số tiền tuy không lớn nhưng đã giúp tôi đóng học phí, trả tiền ký túc xá, đi xe buýt, mua tài liệu cùng học cụ khác. Tôi biết ơn và cảm kích trước tấm lòng của nhà tài trợ qua hành động cao cả ấy.

Nhờ học bổng, chúng tôi có thêm điều kiện để trở thành những công dân tốt, có công ăn việc làm ổn định, sống và vươn lên bằng chính khả năng, nghị lực của bản thân, không là gánh nặng của xã hội. Với chức năng và nhiệm vụ của một nữ hộ sinh, tôi xem việc không ngừng trau dồi chuyên môn, rèn y đức để phục vụ bệnh nhân thật tốt là điều kiện tiên quyết để hoàn thiện bản thân và xứng đáng với sự quan tâm mà xã hội đã dành cho mình trong hoàn cảnh gian khó.

  • Trần Hữu Minh Quân (bác sĩ thực tập Bệnh viện Nhi đồng 1): ngành y có thêm nhiều bác sĩ, cán bộ trẻ năng lực

Trong quá trình theo học ngành y khóa 15 (2003-2009) tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch với kết quả đạt loại tốt, tôi đã được ban giám hiệu đề cử nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Nhờ đó tôi đã có thêm tiền mua sách tham khảo, tài liệu cũng như trang trải chi phí học tập suốt những năm học cuối. Học bổng Nguyễn Văn Hưởng là món quà tinh thần mang ý nghĩa động viên các thế hệ sinh viên ngành y. Không những vậy, học bổng còn giúp cho ngành y tế của TPHCM có thêm nhiều bác sĩ, cán bộ ngành y trẻ, đầy năng lực phục vụ nhân dân.

Ngoài việc luôn khắc ghi nghĩa cử cao đẹp của các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, tôi cũng xin được nói lời cảm ơn chân thành đến Báo SGGP - đơn vị suốt nhiều năm liền gắn bó với chương trình trong vai trò điều hành, tổ chức vận động các nhà hảo tâm chung tay góp sức để mở rộng và nâng cao giá trị vật chất của học bổng.

Về phần mình, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” và luôn cố gắng lao động, học tập không ngừng để nâng cao chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, hết lòng phục vụ nhân dân.

Mai Nguyễn (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục