Bốn năm qua, đã có hàng trăm chuyến khám bệnh từ thiện do Báo SGGP tổ chức đến với các vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, rồi sang tận Campuchia, Lào. Từ đây, hàng chục ngàn người bệnh nghèo đã được tiếp cận với y tế, thoát khỏi bệnh tật để có thể lao động sản xuất nuôi sống gia đình mình. Để làm được điều đó, không thể không nhắc đến công lao to lớn, tấm lòng của rất nhiều tổ chức y tế tình nguyện.
Bỏ phòng mạch, làm việc thiện
Có mặt trong các chuyến khám bệnh từ thiện (KBTT) buổi đầu tiên, phải kể đến CLB Y tế Tình nguyện TPHCM. Thành viên của CLB này, bác sĩ nha khoa Trần Thị Hương Giang nhớ lại: “Đi với Báo SGGP nhiều, nhưng có lẽ chuyến KBTT tại Chămpasăk (Lào) làm tôi nhớ nhất, vì xe bị kẹt ngay vị trí núi lở, phải dùng cẩu kéo qua bãi lầy, phải ăn cơm giữa rừng rậm hoang vu. Nhưng được thăm khám cho những Việt kiều ở Lào, tôi thấy thật hạnh phúc. Bỏ phòng nha để đi KBTT thật chẳng uổng phí, dù KBTT thì không có… tiền”.
Cùng suy nghĩ với chị Giang, nhà giáo - bác sĩ Lê Văn Minh, Trưởng đoàn KBTT Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đã có trên 5 lần tham gia với Báo SGGP. Mặc dù với bác sĩ Minh, bỏ các tiết dạy học, tạm dừng đi hội thảo, hội nghị chuyên ngành là đồng nghĩa với việc “nồi cơm bị tóp lại”, bác sĩ Minh tâm tình: “Nhà trường có tổ chức công tác xã hội, song tham gia KBTT với Báo SGGP, chúng tôi an tâm vì công tác tổ chức của báo chu đáo. Với uy tín và mức độ lan tỏa qua truyền thông của báo, các y bác sĩ đi đến đâu cũng được quý trọng, chính quyền các địa phương rất ân cần với đoàn”.
Cho đến nay, đã gần 1 năm nhưng nhiều y bác sĩ của Chi hội Từ thiện Tâm Việt vẫn nhắc nhở chuyến KBTT khẩn cấp sau cơn bão số 9 tại miền Trung. Ngay khi “tâm bão” vừa đổ bộ vào đất liền, nhà báo Trần Thị Ngọc Yến (Trưởng ban Chương trình Xã hội Báo SGGP, khi ấy đang công tác tại Đăk Nông) đã chủ động điện thoại cho đơn vị tài trợ là Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, thống nhất qua… điện thoại xong, chị đã mời Tâm Việt tham gia và chuyến KBTT ấy đã diễn ra ngay khi bão vừa tan.
Hình ảnh chiếc xe chở bác sĩ vật vã qua bùn lầy với vận tốc 5km/giờ, đi trước là nhóm công binh Quân khu 5 mở đường, đã khắc sâu trong tâm trí của bà con ở Bình Sơn (Quảng Ngãi). Bác sĩ Hồ Hoàng Tuấn (Chi hội trưởng Tâm Việt) nói: “Thật vinh hạnh khi Tâm Việt là đoàn y tế đầu tiên trong cả nước được Báo SGGP đưa vào vùng tâm bão và lũ quét tàn phá... để chăm sóc sức khỏe người dân”.
Những viên thuốc nghĩa tình
Nếu như các đoàn KBTT khám và phát thuốc cho người nghèo khoảng 3-5 ngày thuốc thì các đoàn KBTT do Báo SGGP tổ chức thường kê toa 7-10 ngày thuốc. Theo dược sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Công ty CP Dược Nadyphar, với liều lượng thuốc như thế bệnh nhân mới có thể khỏi bệnh hẳn, tránh nguy cơ lờn thuốc về sau do uống chưa đủ liều.
Theo dược sĩ Sơn, phối hợp với Báo SGGP thường có các nhà tài trợ lo hậu cần nên các đoàn KBTT chỉ chuyên tâm lo chuyện khám chữa bệnh. Một điều nữa, là các nhà báo tuy chỉ chuyên về viết nhưng cũng rất “khắt khe” trong việc kiểm tra hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ của dược phẩm... Nay anh đã thành lập Đoàn y bác sĩ Tình nguyện Sài Gòn, chính là để các thành viên luôn nhớ về những chuyến KBTT đầy ấn tượng cùng với Báo SGGP.
Có thể nói chuyến đi xa nhất, dài ngày nhất mà Báo SGGP tổ chức là chuyến đi ngược sông Mã (Thanh Hóa) để chăm lo cho 1.600 bệnh nhân nghèo huyện Bá Thước. Các y bác sĩ-nhà giáo thuộc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hầu như đã kiệt sức sau 5 ngày di chuyển, 2 ngày KBTT, với sự tài trợ của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai. Còn chuyến đi “kinh khủng” nhất lại là chuyến KBTT bằng cách lội rừng vào xã Phú Mỡ (Đồng Xuân, Phú Yên) sau đợt lũ quét cuối năm 2009. Nhớ lại chuyến đi ấy, chúng tôi vẫn chưa thể hiểu được vì sao các y bác sĩ, phóng viên có thể lội suối, cuốc bộ len qua các vực sâu ven sông Kỳ Lộ vào được tận các bản của đồng bào Chăm Hơ Roi để khám bệnh phát thuốc và tặng quà cứu... đói.
Bác sĩ Trần Thị Út Hậu (Bệnh viện Chợ Rẫy) nói: “Có khó khăn mới rõ tấm lòng. Đó mới thật là những viên thuốc nghĩa tình”. Cũng chính bác sĩ Út Hậu, dù phải truyền dịch liên tục trên các chuyến công tác, vẫn cố gắng đến với nhiều bệnh nhân nghèo đang rất cần chăm sóc y tế. Các bệnh nhân không hề biết chị đang mắc chứng loạn nhịp tim, một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chị chưa bao giờ từ chối bất cứ chuyến đi nào với Báo SGGP.
Và hôm nay 31-5, phóng viên Báo SGGP lại cùng 30 y - bác sĩ thuộc Chi hội Thiện Nhân lênh đênh trên biển Đông. Chúng tôi lại đi KBTT cho người bệnh nghèo ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) với sự hỗ trợ của Cục Chính trị BTL Bộ đội Biên phòng và sự tài trợ của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn. Những chuyến đi cứ tiếp nối, cũng là sự nối dài, quy tụ ngày càng nhiều tấm lòng thơm thảo…
DƯƠNG MINH ANH