Chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi: Thiếu cả lượng lẫn chất

Cứ đến tháng 6 hàng năm là dịp cao điểm phục vụ thiếu nhi, phố phường Hà Nội vẫn treo đầy quảng cáo các chương trình cho trẻ em song phần lớn trong số đó đều là những chương trình góp nhặt dàn dựng lại những tiết mục từ năm này qua năm khác. Bao nhiêu năm rồi, lúc nào cũng thấy Tôn Ngộ Không rồi Alibaba và 40 tên cướp… Phải chăng nghệ thuật đã bỏ quên trẻ em, những khán giả tiềm năng trong tương lai?
Chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi: Thiếu cả lượng lẫn chất

Cứ đến tháng 6 hàng năm là dịp cao điểm phục vụ thiếu nhi, phố phường Hà Nội vẫn treo đầy quảng cáo các chương trình cho trẻ em song phần lớn trong số đó đều là những chương trình góp nhặt dàn dựng lại những tiết mục từ năm này qua năm khác. Bao nhiêu năm rồi, lúc nào cũng thấy Tôn Ngộ Không rồi Alibaba và 40 tên cướp… Phải chăng nghệ thuật đã bỏ quên trẻ em, những khán giả tiềm năng trong tương lai?

Cảnh trong vở kịch thiếu nhi Kiếm thần của Nhà hát Tuổi trẻ.

Cảnh trong vở kịch thiếu nhi Kiếm thần của Nhà hát Tuổi trẻ.

Diễn cho trẻ em chỉ theo thời vụ

Đến hẹn lại lên, trong những ngày đầu hè, hàng loạt các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi lại trỗi dậy, đỏ lòe các phố với đủ các băng rôn khẩu hiệu. Năm nay cũng vậy, riêng Nhà hát Tuổi Trẻ, tại địa bàn Hà Nội đã có 4 chương trình biểu diễn đồng thời như Ngôi nhà của bé, Câu chuyện thiên nga… Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng tổ chức 2 điểm biểu diễn ở các quận trung tâm thành phố. Song điểm đi điểm lại không thấy có nhiều gương mặt nghệ sĩ mới. Nghệ sĩ Đức Hải tâm sự, không nhiều nghệ sĩ trẻ dám dấn thân vào diễn cho thiếu nhi, bởi đơn giản là diễn cho thiếu nhi không dễ. Trong khi đó, các nghệ sĩ tâm huyết, gắn bó với nghệ thuật phục vụ thiếu nhi đang già đi mà lớp trẻ nối tiếp lại chưa xuất hiện. Vì thế, hè này ngoài chương trình biểu diễn của ảo thuật gia nổi tiếng Eric Logan còn được tạm coi là có điểm nhấn thì nhiều khán giả đành nhắm mắt quay mặt với các chương trình thiếu nhi vì phần lớn trong số đó đều là sự góp nhặt, “bổn cũ soạn lại”, khiến ngay cả những khán giả nhỏ tuổi dễ tính nhất cũng ít vui.

Chia sẻ về trở ngại này, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, cho rằng đây là giai đoạn khó khăn với sân khấu, đặc biệt là sân khấu thiếu nhi khi những đạo diễn có kinh nghiệm ngày càng ít trong khi chương trình dành cho thiếu nhi chỉ theo mùa vụ. Cùng tâm sự này, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đau xót thừa nhận dường như “nghệ thuật đang lờ trẻ em đi”. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam hầu như năm nào cũng lên kế hoạch tổ chức các trại sáng tác về đề tài thiếu nhi nhưng các nhà hát, các cây viết đều không mấy quan tâm, cho nên có năm phải hủy bỏ không tổ chức được. “Chúng tôi mời hết các nhà hát, đặc biệt là những nhà hát chuyên phục vụ thiếu nhi như rối, xiếc, vậy mà không ai mặn mà” - NSND Lê Tiến Thọ nói.

Hơn thế, hàng năm Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đều thông báo, nếu đơn vị nào có vở diễn về đề tài thiếu nhi thì hội sẽ hỗ trợ một phần kinh phí, nhưng cũng không có tác phẩm nào. Điều này thật đáng tiếc, đặc biệt là các nhà hát nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, hoàn toàn bỏ rơi đối tượng khán giả thiếu nhi. Tại sao lại như thế? Tại sao họ không nghĩ tới chuyện phải có tác phẩm cho thiếu nhi xem để các em mới hiểu được thế nào là tuồng, chèo mà yêu mến nghệ thuật truyền thống dân tộc mình, rồi từ đó mới có thế hệ khán giả của tương lai. Nếu không, tương lai sẽ rất khó khăn cho sân khấu.

Nhà hát bỏ không!

Nghệ sĩ Đức Hải than thở: “Tôi cứ nhìn những nhà hát ở Hà Nội bị bỏ không, bị biến thành quán bia, nơi gửi xe mà đau xót. Trong khi chúng tôi mong muốn có một rạp hát cho thiếu nhi thì không có”.

Đồng tình với việc cần phải quan tâm tới thiếu nhi hơn nữa, song NSND Lê Tiến Thọ cho rằng điều quan trọng không phải là việc xây thêm nhà hát, vì dù cho xây thêm vài cái nhà hát nữa mà không có gì để diễn cho thiếu nhi thì “cũng bỏ không chứ có làm gì đâu”. Vấn đề quan trọng hơn là chúng ta diễn gì trong những nhà hát ấy thì không ai quan tâm: “Thú thật, tôi thấy đề tài cho thiếu nhi trong nghệ thuật bị bỏ quên từ lâu rồi. Cứ thống kê trên cả nước mà xem, một năm có mấy vở kịch, mấy bộ phim cho thiếu nhi? Hầu như rất ít. Thế thì xây thêm nhà hát có ích gì!. Thay vì bỏ tiền xây dựng những cái “vỏ” hoành tráng mà chẳng có gì bày bên trong thì chúng ta nên quan tâm đến cái “ruột”. Ngay tại Hà Nội đang có rất nhiều rạp và nhà hát như: Kim Mã, Âu Cơ, Hồng Hà... hay rạp chiếu phim Kim Đồng, đều là những địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ thiếu nhi rất tốt, nhưng vấn đề là lấy cái gì mà diễn trong đó?” - NSND Lê Tiến Thọ băn khoăn.

Theo thông tin mới nhất, Bộ VH-TT-DL vừa giao cho Nhà hát Tuổi Trẻ đầu tư xây dựng trung tâm nghệ thuật biểu diễn cho thiếu nhi lớn nhất cả nước. Tại đây, các em không chỉ có nhiều cơ hội để tìm hiểu, giao lưu, tiếp cận với nghệ thuật mà chính các nghệ sĩ cũng có nhiều điều kiện để luyện tập, sáng tạo các tác phẩm mới dành cho lứa tuổi đặc biệt này. Hy vọng rằng đề án mới này sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực để nghệ thuật dành cho thiếu nhi tiếp tục được ươm mầm.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục