Cuối tháng 4-2008, cậu con trai lớn của tôi bị tiêu chảy, đau bụng dữ dội và phải vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương. Sau khi nhập viện, được truyền nước biển, uống thuốc, con tôi có dấu hiệu thuyên giảm bệnh.
Trong khi chúng tôi hết sức lo lắng về tình trạng sức khỏe của con mình, rất muốn biết kết quả xét nghiệm của cháu ra sao thì những cán bộ y tế ở đây vẫn dửng dưng ngồi tán chuyện, bảo phải chờ bác sĩ đến khám. Thế nhưng, chuyện tìm gặp bác sĩ trong những ngày cuối tuần-thứ bảy, chủ nhật ở đây không dễ.
Tôi tìm đến phòng ban giám đốc thì được hướng dẫn đến phòng tiếp dân. Sau khi nghe tôi trình bày bức xúc vì không nhận được sự chăm sóc nào của trung tâm và có nguyện vọng xin ra viện, Phó Giám đốc trung tâm đồng ý cho cháu ra viện nếu tình trạng bệnh của cháu không có gì nguy hiểm. Ngay sau đó có một bác sĩ đến khám bệnh cho cháu, vị bác sĩ này có vẻ không vui và hạch hỏi tôi với thái độ thách thức: “Làm gì mà chị phải đi “mét” với Phó Giám đốc trực vậy?”.
Tôi rất bất bình với thái độ thiếu thân thiện này và trả lời rằng, phòng tiếp dân của bệnh viện là nơi tiếp nhận thắc mắc, yêu cầu của bệnh nhân, thân nhân của họ, cớ gì bác sĩ lại “chất vấn” tôi giống như người phạm tội? Khám xong cho con tôi, vị bác sĩ này không tư vấn cũng như không trả lời thắc mắc về tình trạng bệnh tật của con tôi như đã đề nghị.
Hoàn tất thủ tục ra viện, tôi được trao lại một toa thuốc với dòng chữ định bệnh “tiêu chảy cấp” mà không hề có một lời tư vấn hay hướng dẫn kèm theo của khoa.
Tôi chạy đến phòng tiếp dân trình bày tiếp những gì mà tôi vừa nhận được từ một cơ sở chữa bệnh lớn ở TP- đó là thái độ lạnh lùng, thiếu trách nhiệm của những người hành nghề “lương y như từ mẫu”. Ông Phó Giám đốc trung tâm mời tôi vào phòng trực của khoa với sự có mặt của bác sĩ vừa mới khám cho con tôi trước đó và một bác sĩ mới - phụ trách khoa hồi sức ở trung tâm.
Đến lúc này thì mọi việc đã được giải quyết êm đẹp hơn. Tôi được vị bác sĩ mới này giải thích một cách chu đáo về bệnh tình của con tôi và khuyên nên cho cháu ở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị. Bởi lẽ, vào thời điểm đó cháu có triệu chứng trở bệnh nặng hơn, đau bụng nhiều hơn, có khả năng sốt siêu vi kèm theo.
Tôi đồng ý để con mình ở lại trung tâm điều trị. Thế nhưng, những ngày cùng con nằm ở bệnh viện, tôi tận mắt chứng kiến nhiều chuyện không vui ở trung tâm. Đó là lỡ vào nhập viện hai ngày cuối tuần thì hầu như không có bác sĩ khám bệnh, cũng như nhân viên y tế thăm hỏi (trừ trường hợp con tôi là có bác sĩ đến thăm bệnh).
Ông Cung, quê ở Tây Ninh, nằm cùng phòng số 12 với con tôi, bức xúc: “Nếu biết vào bệnh viện công mà không có một lời thăm hỏi vào hai ngày cuối tuần như thế này thì tôi đã không vào…”. Tuy trung tâm vẫn cử bác sĩ trực vào hai ngày cuối tuần, nhưng muốn gặp được bác sĩ không dễ!
Nhân viên y tế trong khoa thì nói chuyện với bệnh nhân thiếu thân thiện, thậm chí to tiếng khi họ mắc phải những lỗi nhỏ (nằm sai số giường) hoặc hỏi bệnh nhân lớn tuổi với những câu trống không như “Còn chai nước biển nào không? Còn thuốc uống không?...”.
Tôi viết ra những dòng này mong rằng Khoa tiêu hóa của Trung tâm Cấp cứu Trưng Vương hiểu người bệnh hơn và luôn có thái độ “lương y như từ mẫu” để sau mỗi lần ra viện, người dân lỡ có bệnh cũng tìm đến đây gởi gắm niềm tin, đón nhận sự quan tâm, chăm sóc về sức khỏe.
Khánh Hà