Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga - Thông điệp mới

Thăm châu Âu, nóng Syria
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga - Thông điệp mới

Ngày 2-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Pháp, chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin quay trở lại Điện Kremlin nắm giữ chức tổng thống. Chuyến công du bắt đầu từ ngày 31-5 đưa Tổng thống Nga tới các nước thuộc Liên Xô trước đây, Trung Quốc và 2 cường quốc châu Âu là Đức và Pháp.

Tổng thống Nga V.Putin (trái) đối thoại với Tổng thống Pháp F.Hollande ngày 2-6.

Tổng thống Nga V.Putin (trái) đối thoại với Tổng thống Pháp F.Hollande ngày 2-6.

Thăm châu Âu, nóng Syria

Rất nhiều chuyên gia của Nga nhận định rằng chuyến công du này của Tổng thống V.Putin nêu bật những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ mới, đó là tìm kiếm mối quan hệ hợp tác sâu hơn với Trung Quốc, tăng cường mối quan hệ với các nước thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và tìm kiếm sự tương tác tích cực với châu Âu để duy trì “quan hệ ngoại giao cân bằng” trong tương lai.

Chuyến đi của ông Putin đến Pháp và Đức nhằm tìm kiếm sự tiếp cận lớn hơn với các thị trường năng lượng châu Âu và vận động hành lang cho các doanh nghiệp Nga quan tâm tới việc sở hữu các tài sản công nghiệp ở châu Âu.

Tuy nhiên, vấn đề Syria đã trở thành đề tài nóng trong các buổi thảo luận giữa Tổng thống Nga Putin và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức. Trong cuộc đối thoại với Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Putin tái khẳng định quan điểm của Nga: cộng đồng quốc tế không được can thiệp quân sự vào Syria. Tổng thống Nga cũng bày tỏ lo ngại về các biện pháp trừng phạt đối với Syria không hiệu quả, trong khi dấu hiệu của một cuộc nội chiến đã xuất hiện.

Ông Putin cho rằng một mình Tổng thống Syria Assad không thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và cộng đồng quốc tế cần phải có giải pháp chính xác và cân bằng tại Syria. Cả hai bên cùng nhất trí về tính cần thiết của một giải pháp chính trị chấm dứt tình hình bạo lực tại Syria, quốc gia đang ở bên bờ vực nội chiến. Ông Putin cũng bác bỏ thông tin Nga cung cấp vũ khí cho Chính phủ Syria như Mỹ cáo buộc.

Hướng về châu Á

Sau khi ông Putin nhậm chức, một số người dự đoán chính sách đối ngoại của Nga chuyển trọng tâm sang phía Đông, trong khi nhiều người khác tin rằng Nga sẽ vẫn duy trì sự cân bằng ngoại giao giữa Tây và Đông. Trong những năm qua, Nga tăng cường hội nhập với Belarus và Kazakhstan. 3 nước đã thống nhất thành lập một liên minh kinh tế Âu - Á vào năm 2015 - một cơ chế kinh tế liên chính phủ - để tạo điều kiện cho việc giao thương tiền và hàng hóa, trao đổi nguồn nhân lực.

Là những nước ủng hộ chính cho sự hội nhập của SNG, Belarus và Kazakhstan đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Nga. Trong cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, ông V.Putin thể hiện sự đoàn kết với Belarus khi cam kết tiếp tục cho Belarus vay tiền để phát triển kinh tế, đồng thời hợp tác chặt chẽ giúp nước này vượt qua những khó khăn do cấm vận của phương Tây.

Trong khi đó, ông Putin cũng coi chuyến thăm Uzbekistan có ý nghĩa đặc biệt vì quốc gia Trung Á này đang dao động giữa Đông và Tây và giữ thái độ cảnh giác đối với quá trình hội nhập. Tuy nhiên, giới quan sát chính trị cho hay quan hệ Nga - Uzbekistan đã nồng ấm hơn khi nước này tham gia tích cực hơn trong các hoạt động của SNG.

Trong chuyến công du này, ông Putin sẽ ở thăm Trung Quốc lâu nhất (từ 5 đến 7-6). Theo Giám đốc Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga Eugeny Bazhanov, chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin mang rất nhiều ý nghĩa. Trong chuyến thăm này, Nga sẽ tái khẳng định mong muốn duy trì quan hệ hiện có với Trung Quốc và xếp Trung Quốc vào diện ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình trong chính sách đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Ông đã bác bỏ quan điểm cho rằng sự phát triển của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nga. Ngược lại, ông coi đây là cơ hội lớn đối với Nga. Ông kêu gọi Nga tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc để “đón gió Trung Quốc dong cánh buồm kinh tế của chúng ta”. Ông Bazhanov cho rằng quan hệ Nga - Trung sẽ được duy trì tốt đẹp vì hai nước đều rất cần đến nhau.

Đỗ Văn (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục