Phát hành phim

“Chuyện của Pao”: vẫn như cũ

Để làm êm dư luận, bộ phim tiền tỉ nào do nhà nước đặt hàng, trước khi công chiếu cũng được hứa hẹn sẽ có một chiến lược quảng cáo, tiếp thị rầm rộ để khán giả phải chú ý. Nhưng rồi, trước sự chứng kiến của giới chuyên môn, “những đống tiền” ấy lần lượt thầm lặng bước từ rạp vào kho trước khi khán giả kịp biết đến… Chuyện của Pao – cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam 2005, cũng đang trôi như thế.

Ngay thời điểm nóng sốt nhất của Chuyện của Pao với “cơn mưa” giải do Hội trao tặng, thay vì phim phải lập tức ra rạp thì các rạp của TPHCM – “kinh đô” điện ảnh Việt Nam vẫn im lìm. Sự tò mò của khán giả rồi cũng trôi qua, bởi dù hay tới đâu nếu phim không cần khán giả, khán giả cũng chẳng cần phim.

Hơn nữa, ngoài kia các siêu phẩm của thế giới đã vừa nhiều lại hấp dẫn đang tới tấp chào mời. Nếu cho rằng Cục Điện ảnh vì lo lắng cho số phận của bộ phim nên rụt rè, cẩn thận và chuẩn bị kỹ lưỡng thì hình như không đúng. Có vẻ như một thái độ thờ ơ thì đúng hơn.

Riêng chi phí phát hành, dù chưa đưa ra quyết định chính thức, song Fafilm cũng cho biết sẽ chỉ có thể bằng 1/10 so với chi phí Hãng Phim truyện 1 bỏ ra để quảng cáo phim Sống trong sợ hãi. Tin đồn về một doanh nghiệp đồng ý bỏ chi phí tiếp thị, quảng cáo cho bộ phim, đã chính thức được Fafilm Việt Nam thông báo là “tin vịt”.

Sau vài lần lỡ hẹn, thời điểm chính thức ra rạp của “Pao” giờ đây là 18-8 (nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công – ngày 19-8), sau thời điểm đăng quang đúng 5 tháng. Chỉ có 3 rạp thuộc vào loại chấp nhận được của TP Hồ Chí Minh là Thăng Long, Đống Đa và Fafilm đồng ý đưa “Pao” vào chiếu (ngoài ra còn 3 rạp nữa là Cầu Bông, Vườn Lài và Tân Sơn Nhất), Cinebox và Diamond thẳng thừng từ chối ngay từ đầu, Galaxy phân bua do lượng phim ở rạp đang quá nhiều…
 
Bỏ ra hàng tỉ để làm phim, song lại so đo từng đồng cho quảng cáo, tiếp thị, chuyện này có lẽ chỉ có ở Việt Nam. Đồng ý là phát hành biết chắc lỗ nhưng nếu xác định mục đích của phim do nhà nước đặt hàng là phục vụ chính trị, là phải đến được với người xem, thì cách làm trên thậm chí đang đi ngược cả với mục đích đó. Theo hợp đồng đưa ra, các rạp sẽ chiếu Chuyện của Pao trong 2 tuần. Hy vọng, “Pao” sẽ không bị văng ra trước thời hạn như số phận của những bộ phim đặt hàng, hy vọng dù mong manh…

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục