Chuyện kể của vị đại sứ mắc Covid-19

Tổ chức 5 chuyến bay, đưa hàng trăm người Việt về nước trong đại dịch Covid-19, ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Bhutan và Nepal, đã chia sẻ nhiều về những hoàn cảnh đặc biệt của bà con, sự nỗ lực vượt qua thử thách của các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại New Delhi. Nhưng có một điều, mãi đến khi mọi chuyện đã qua, ông mới tiết lộ... 

Những chuyến bay mang tên các loài hoa

Đại sứ Phạm Sanh Châu luôn nói, công tác bảo hộ công dân mà ông làm trong năm qua cũng giống như đồng nghiệp của ông ở bất kỳ nơi nào. Những cán bộ ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã có nỗ lực phi thường khi tham gia tổ chức hàng ngàn chuyến bay đưa hơn 60.000 công dân Việt Nam từ khắp thế giới trở về Tổ quốc với phương châm “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Ở đâu cũng có những câu chuyện đặc biệt, những thử thách lớn khi “sơ tán” công dân trong đại dịch, nhưng tại Ấn Độ, việc này lại càng khó khăn khi người Việt ở rải rác nhiều nơi, thành những nhóm nhỏ, đường sá đi lại khó khăn, vùng xa xôi cách trở, phương tiện thiếu thốn do phong tỏa... 

Chuyện kể của vị đại sứ mắc Covid-19 ảnh 1 Đại sứ Phạm Sanh Châu luôn tâm huyết với việc quảng bá áo dài Việt Nam. Ảnh: FB Đại sứ Sanh Châu
Chiến dịch Hoa kim tước - chiến dịch đầu tiên đưa người Việt về nước vào ngày 19-5-2020, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, phải mất hơn 2 tháng chuẩn bị. Người mắc kẹt không chỉ là cán bộ đi công tác, sinh viên, khách du lịch, công nhân lao động hết hợp đồng, chuyên gia kỹ thuật, nhà đầu tư, mà nhiều người trong số họ là người hành hương, các tăng ni Phật tử, điều kiện tài chính cực kỳ eo hẹp, khiêm tốn hay người lao động có hoàn cảnh rất thương tâm. Đó là những tháng ngày Đại sứ Phạm Sanh Châu và cán bộ đại sứ quán chạy đôn chạy đáo làm thủ tục tổ chức chuyến bay, hỗ trợ gia hạn thị thực, cứu trợ lương thực thực phẩm cho những người lâm vào bước đường cùng, quyên góp tiền mua vé máy bay cho bà con. Khó khăn nhất là xin phép, tổ chức để bà con di chuyển từ 15 bang khắp Ấn Độ đến New Delhi trong lúc bị phong tỏa. “Cuối cùng, 66 xe buýt từ khắp nơi trong cả nước và 3 chuyến bay nội địa đã vượt hàng chục ngàn kilômét để đưa bà con kịp đến sân bay New Delhi để về nước. Nhiều lúc tưởng không thể tổ chức được chuyến bay vì quá phức tạp!” - ông Phạm Sanh Châu chia sẻ. 

Bà Trịnh Thị Út, một trong 11 tăng ni đang học tại Đại học Acharya Nagarjuna, đã viết trong thư cảm ơn: “Chúng tôi đã trải qua không biết bao là gian nan, trắc trở, có những lúc tưởng chừng như không còn hy vọng... Trong lúc bế tắc ấy chúng tôi đã nhận được những lời quan tâm, chia sẻ của bác Phạm Sanh Châu, bác Khánh, bác Đức Anh, cô Vân... Những cuộc điện thoại, những tin nhắn các bác luôn động viên tinh thần để chúng tôi được yên tâm trong suốt hành trình trở về quê hương đất tổ mến yêu…”. 

Rồi vô vàn những thư, những tin nhắn khác, có những người xem Đại sứ Phạm Sanh Châu như anh trai mình, có người nói muốn gửi quà thể hiện sự cảm kích. Vị đại sứ lại đơn giản rằng, đó là nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho những “người lính” ngoại giao. Chỉ khi bà con về đến Việt Nam an toàn họ mới yên tâm. 

Sau chuyến bay đó có thêm 4 chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt tại Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Sri Lanka, UAE về nước. Hầu hết các chuyến bay đều được Đại sứ Phạm Sanh Châu đặt tên theo một loài hoa tiêu biểu cho các quốc gia mà ông đang công tác: Hoa đỗ quyên, Hoa phượng tím, Ba bông hồng... Những cái tên ngọt ngào, nhẹ nhàng trước thực tế vô cùng khắc nghiệt. Vừa cố gắng bảo hộ công dân, làm các công việc khác của một đoàn ngoại giao, vừa nỗ lực giữ an toàn cho đội ngũ của đại sứ quán, nhất là khi đại dịch hoành hành và Ấn Độ trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về số người mắc và thứ ba về người tử vong do đại dịch Covid-19. 

Không đầu hàng dịch bệnh

Điều lo ngại nhất đã xảy ra khi chính Đại sứ Phạm Sanh Châu và một số cán bộ trong đại sứ quán mắc Covid-19. Tuy tất cả nằm trong dự liệu khi làm việc trong một môi trường rủi ro như vậy, dù đã thực hiện cách ly và có các biện pháp phòng vệ kỹ càng nhưng vẫn là những ngày lo lắng đến thót tim. Ông kể: “Chúng tôi tuyệt đối không thông tin cho ai kể cả người nhà, chỉ báo một số người ở cơ quan Bộ Ngoại giao. Chúng tôi đã chuẩn bị trước. Từ đầu tôi đã tính khả năng hết giường bệnh, nên đã đặt sẵn 4-5 giường trong bệnh viện để nếu cần, người của mình sẽ có chỗ, có máy thở, có thuốc. Tôi cũng tính sẽ rút ra những khoản tiền nào để thuê máy bay về nước nếu cần. Cơ quan Bộ Ngoại giao đã kết nối để chúng tôi có các buổi khám trực tuyến từ Việt Nam do các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện. Các bác sĩ hướng dẫn từng trường hợp một, đo nhiệt độ, đo huyết áp, thử máu, khai báo các triệu chứng, đề ra phác đồ điều trị... Hầu hết chúng tôi đều được điều trị tại nhà, chỉ có một người phải vào viện”. 

Đó là cuối tháng 9. Cơn bệnh khiến Đại sứ Phạm Sanh Châu có những ngày rất mệt mỏi và đầy lo lắng về tinh thần. Đến giữa tháng 10, ông chỉ chia sẻ một dòng trạng thái trên Facebook bằng cách dẫn lại bài đăng trên mạng xã hội của Đại sứ Canada tại Cộng hòa Czech Barbara Richardson: “Các nhà ngoại giao trên thế giới đều công tác ở những nơi rất xa gia đình và bè bạn. Họ có mặt ở đó để giúp đỡ công dân khi gặp nạn. Họ có mặt ở đó để đảm bảo hàng hóa thông thương, để mối quan hệ giữa các quốc gia được kết nối. Họ ở những nơi nguy hiểm. Nếu họ bệnh, họ không được về nhà. Họ vẫn ở đó để tiếp tục phụng sự Tổ quốc”.

Người quen, người thân, bạn bè, những người theo dõi ông trên Facebook, có người đoán ra, nhưng hầu hết đều cho rằng đó là sự lo lắng nói chung của ông khi đang trong tâm dịch. Có người cho đó là tâm sự của ông khi không thể về tổ chức đám cưới cho cô con gái yêu thương. Không ở bên người thân trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong đời, chính là một thiệt thòi của các nhà ngoại giao ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng điều may mắn, các cán bộ đại sứ quán đã bình tĩnh vượt qua sự khủng hoảng. Tất cả đã khỏi bệnh, khi đầu tháng 12 xét nghiệm đủ 3 lần âm tính, dần phục hồi sức khỏe. “Giờ thì tôi sẽ được miễn dịch ít nhất trong 6 tháng tới” - Đại sứ Phạm Sanh Châu nói một cách đầy lạc quan khi ông trò chuyện qua điện thoại với phóng viên, lúc đi dạo ở một công viên gần nhà. Và mãi đến khi phóng viên hỏi ông đi dạo không sợ Covid-19 hay sao? Đến lúc này ông mới tiết lộ lần đầu cho một nhà báo về việc mình bị bệnh, với lời dặn từ từ hãy kể. 

“Năm 2020 là một năm rất buồn đi vào lịch sử nhân loại” - Đại sứ Phạm Sanh Châu bộc bạch. Ông tiếc vì dịch bệnh khiến nhiều dự định của đại sứ quán không thể thực hiện. Đường bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ vừa khai trương tháng 12-2019 và dự định mở thêm nhiều tuyến trong năm 2020 cũng bị dừng lại khiến hiệu quả du lịch bằng không. Thương mại song phương giảm mạnh, nhưng ông và mọi người ở đại sứ quán vẫn làm được nhiều việc: xây xong phần thô tòa nhà đại sứ quán; thúc đẩy hồ sơ xây dựng Tượng đài Bác Hồ ở New Delhi; đưa HCL (Tập đoàn công nghệ lớn thứ ba của Ấn Độ) vào Việt Nam với mục tiêu mở văn phòng tại Hà Nội và đào tạo 10.000 kỹ sư công nghệ... Và quan trọng nhất, vị đại sứ tự hào “chúng tôi đã đưa được bà con người Việt trở về nhà”.

Tin cùng chuyên mục