Chuyện kể ở ấp Phủ Thờ

Chuyện kể ở ấp Phủ Thờ

Cà Mau, vùng đất cực Nam Tổ quốc trong những năm tháng chiến tranh xưa với nhiều câu chuyện trú chân của nhiều đoàn quân trước khi vượt biển đi tập kết và ở đây có 21 phủ, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được lập sau ngày Bác mất. Bất chấp bom đạn và sự truy lùng bắt bớ của địch, Phủ thờ Bác Hồ tại xã Trí Lực đã tồn tại đến nay (xưa là xã Trí Phải mới được tách thành hai xã Trí Lực và Trí Phải).

Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: THÁI BẰNG
Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: THÁI BẰNG

Ngày xưa, khu vực ấp Phủ Thờ  vốn là một cái lung rất to, lau sậy ngập đầu. Cái lung rộng hơn 3ha này tồn tại như một “ranh giới” phân chia khu vực được giải phóng với khu vực do Sư đoàn 21 ngụy đóng quân. Cái lung có 4 góc thì 3 góc là 3 chốt đồn của địch: Huyện Sử, Biển Bạch và Tám Ngàn, góc còn lại là vùng giải phóng có tên Trí Phải. Ngày 3-9-1969, tin Bác Hồ mất về đến ấp 6, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Khu giải phóng ngày thường luôn đầy ắp tiếng cười, nói í ới bởi những đoàn quân tiếp tế, giao liên qua lại, trở nên buồn lặng lẽ ngày Bác mất. Các đoàn quân đi qua không tiếng nói cười nào, trên túi áo họ ai cũng có miếng vải trắng. Nhà nào cũng lập bàn thờ cúng Bác và đêm đêm họ bái vọng về hướng Bắc với nước mắt và lòng dạ xót đau. Hai tháng sau, ông Hai Cù Lao lập xong phủ thờ Bác giữa rừng. Phủ thờ Bác chỉ là một gian nhà nho nhỏ, mái lá, vách phên, cột tràm và hình Bác được cắt từ một trang báo và to non nửa bàn tay do bộ đội chủ lực dừng chân ở đây tặng cho ông. Cúng thất, ngày giỗ Bác, ông Hai Cù Lao và nhân dân ấp 6 tổ chức rất chu đáo. Rồi chiến tranh trở nên ác liệt hơn, khu vực này bị oanh kích  dữ dội...

26-3-1973, nhân ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, anh Huỳnh Đảm (tự Bảy Đảm, hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), Bí thư huyện đoàn Thới Bình đã khởi xướng việc khôi phục và làm mới Phủ thờ Bác Hồ và xem đây là công trình chào mừng Đại hội Đoàn của huyện với khẩu hiệu “Tuổi xuân quyết báo đền ơn Bác”. Ngày 1-4-1973, cái lung sậy rộng hơn 3ha được lấp đầy, bởi hàng trăm đoàn viên thanh niên trong huyện Thới Bình. Chỉ huy và giám sát công trình là anh Trần Trọng Sơn, Thường vụ Huyện đoàn.

Ông Nguyễn Ngọc Báu (tự Mười Khen), Chủ tịch Mặt trận huyện, là người vẽ thiết kế Phủ thờ Bác. Cột, kèo, ví, vách được chọn từ những cây tràm tốt nhất của khu U Minh Hạ. Hàng trăm cây tràm thân thẳng, cao và to được chuyển về Trí Phải. Phủ thờ Bác có một chái, gian chính bề ngang 9m, dài 12m làm bằng những cây tràm đánh bóng, vách bằng ván tràm xẻ, giữa nhà có bệ thờ xây tam cấp hẳn hoi, trên đó hình Bác Hồ được anh Hai Đăng, họa sĩ của xã vẽ bằng sơn màu có lộng kiếng đẹp. “Nhà làm xong, mọi người bàn đi đánh đồn địch lấy thiếc (tôn) về lợp mái, trước là để phủ thờ được chắc chắn, bền lâu, sau là dùng chiến công ấy dâng Bác nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Bác kính yêu”, anh Nguyễn Văn Dậu, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Phủ Thờ, một trong hàng trăm đoàn viên từng tham gia xây dựng Phủ thờ Bác ngày xưa, kể. Đồn Huyện Sử bị quân ta đánh tan tác. Tàn trận,  mái nhà của đồn trống hoác vì  các tấm tôn đã được đoàn quân của huyện Thới Bình dỡ sạch chở về lợp Phủ thờ Bác.

Ngày 19-5-1974, Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kinh Bảy, ấp 6, xã Trí Phải (nay chia thành xã Trí Lực và Trí Phải) huyện Thới Bình, Cà Mau được khánh thành. Phủ thờ Bác lấp lánh trong ánh nắng với vầng sáng từ những tấm tôn mới tạo nên lung linh giữa khu rừng lau sậy bạt ngàn. Mọi người hát vang những ca khúc về Bác. Anh Dậu đã khiến mọi người rơi nước mắt khi hát bài vọng cổ “Bác Hồ của chúng con ơi”: Nghe tin Bác mất, ôi rụng rời sông núi/ Tổ quốc ơi, chúng ta mất vị cha già/ Sông núi ơi, không thể nào đền đáp được/…Bác Hồ ơi,…Bác Hồ của chúng con ơi/ Bác là niềm tin thống nhất của hai miền Nam Bắc…

Từ đó, mỗi chuyến xuất quân, mỗi lần chiến thắng trở về, các đoàn quân của huyện Thới Bình đều đến báo công với Bác ở phủ thờ này và họ đã sống chiến đấu ngoan cường với niềm tin ấm áp rằng “Bác Hồ kính yêu luôn ở bên chúng con”. Trong sân Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Trí Lực, có cây vú sữa được chiết cành từ cây vú sữa mà Bác chăm sóc mỗi ngày ở ngoài Bắc. Sau khi đất nước độc lập, Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực được sửa chữa nâng cấp trên nền phủ thờ cũ và ấp 6 được đổi tên thành ấp Phủ Thờ cho đến nay.

PHẠM THỤC

Tin cùng chuyên mục