Điểm ấn tượng ở trạm Gò Gia là vườn rau xanh tốt do các anh tự trồng. Nói là vườn rau cho “oách”, chứ thực ra đó là một phần diện tích khiêm tốn của trạm được các anh “quy hoạch” để tăng gia. Đếm sơ sơ cũng có gần chục loại rau và cây gia vị, từ mồng tơi, cải mầm, bầu đất cho đến húng quế, húng lủi.
Thượng úy Phạm Minh Nhựt, Trạm trưởng, cho biết mọi người vẫn gọi những trạm kiểm soát như thế này là “chốt” nổi trên sông. Gò Gia là một trong 9 “chốt” do Bộ đội Biên phòng TPHCM quản lý, có nhiệm vụ kiểm soát người, phương tiện hoạt động trong vùng nước cảng, lên tàu, cặp mạn, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải trong khu vực đơn vị phụ trách.
Ở “chốt”, ban đêm gió thổi thốc lạnh buốt, tàu thuyền qua lại gầm rú, “chốt” lắc lư bồng bềnh theo từng đợt sóng... Người lính ở “chốt” không chỉ đối diện với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt mà còn thiếu thốn nhiều thứ, nhất là nước sạch. Điện thì các anh dùng năng lượng mặt trời sử dụng, bữa cơm được nấu bằng những chiếc nồi gang để tiết kiệm điện.
Ngay cả sóng điện thoại cũng khá chập chờn, việc liên lạc với mọi người liên tục bị gián đoạn, “Riết rồi cũng quen, ở “chốt” sống với cảnh rung lắc, bồng bềnh, có khi về nhà nằm trên giường yên tĩnh lại ngủ không được”, Thượng úy Phạm Minh Nhựt nói về cuộc sống của mình và đồng đội. Những gì anh Nhựt chia sẻ không mất nhiều thời gian chờ đợi để chứng minh. Ngồi trên “chốt” Gò Gia chừng 30 mươi phút, chúng tôi đã có cảm giác lắc lư, trong đầu ong ong, chỉ mong được nhanh chóng vào bờ.
Khó khăn trong cuộc sống thì nhiều, nhưng khó khăn trong công việc lại còn nhiều gấp bội. Dù vậy, các anh luôn lạc quan và tận tâm với công việc để thầm lặng viết nên những chiến công…