Chuyển SGK mới sang sách chữ nổi Braille cho học sinh khiếm thị

Ngày 18-1, Bộ GD-ĐT cùng Tổ chức CBM (Christoffel Blindenmission) phối hợp tổ chức hội thảo chuyển đổi sách giáo khoa (SGK) sang sách chữ nổi Braille và chữ to cho học sinh khiếm thị. 

Tại hội thảo, về quy trình chuyển đổi sách chữ nổi, PGS-TS Phạm Minh Mục, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, đề xuất các bước, gồm: lựa chọn SGK chuyển đổi; nghiên cứu SGK; thực hiện chế bản SGK (chế bản kênh chữ, chế bản kênh hình, biên soạn tài liệu hướng dẫn sử dụng SGK chữ nổi); thành lập Hội đồng Thẩm định sách chữ nổi (do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quyết định thành lập); điều chỉnh, sửa chữa sau thẩm định; in và làm sách chữ nổi (bản mẫu); đọc và chỉnh sửa bản mẫu; in đại trà. Riêng với công đoạn nghiên cứu SGK, cần phân loại những nội dung không phù hợp với con đường tiếp nhận thông tin bằng thị giác, biên tập điều chỉnh thông tin trên cho phù hợp với con đường tiếp nhận thông tin bằng thính giác và xúc giác.

Song song đó, nghiên cứu tranh, hình ảnh minh họa, phân loại những tranh hình nào chuyển đổi từ không gian 1 chiều sang không gian 2 chiều. Với những tranh, hình quyết định chuyển đổi thì nghiên cứu và chọn những chi tiết nào cần giữ lại, những chi tiết nào cần loại bớt và viết phần hướng dẫn “quan sát tranh”. Với những tranh, hình không chuyển đổi thì viết phần mô tả tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc chuyển đổi SGK chữ nổi Braille và chữ to cho học sinh khiếm thị là cần thiết và có ý nghĩa, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là căn cứ thống nhất để các cơ sở chuyển đổi và in SGK cho học sinh khiếm thị. Các trường học có học sinh khiếm thị trên cả nước có sự thống nhất dùng chung các ký hiệu trong các môn học.

Tin cùng chuyên mục