Làm từ thiện

Chuyện tấm lòng để người dân tự định đoạt

Vừa qua, Bộ LĐTB-XH có đề xuất dự thảo quy chế vận động, tiếp nhận hàng cứu trợ sẽ chỉ do hai tổ chức là Ủy ban TƯ MTTQVN và Hội Chữ thập đỏ VN đảm nhận. Nhiều ý kiến góp rằng, đây là chuyện tấm lòng, hãy để cho những người làm việc từ tấm lòng tự định đoạt nơi nào họ thích đến. Chúng tôi xin giới thiệu 2 trong số những ý kiến trên.
Chuyện tấm lòng để người dân tự định đoạt

Vừa qua, Bộ LĐTB-XH có đề xuất dự thảo quy chế vận động, tiếp nhận hàng cứu trợ sẽ chỉ do hai tổ chức là Ủy ban TƯ MTTQVN và Hội Chữ thập đỏ VN đảm nhận. Nhiều ý kiến góp rằng, đây là chuyện tấm lòng, hãy để cho những người làm việc từ tấm lòng tự định đoạt nơi nào họ thích đến. Chúng tôi xin giới thiệu 2 trong số những ý kiến trên.

Chuyện tấm lòng để người dân tự định đoạt ảnh 1

Đại diện Ban Chương trình - Xã hội chuyển tiền của bạn đọc Báo SGGP đến người nghèo ở Sa Đéc (Đồng Tháp).
Ảnh: Nhật Linh

Truyền thống của dân tộc ta là “Lá lành đùm lá rách”, là “Thương người như thể thương thân”, cho nên mỗi khi có thiên tai, lũ lụt hay trước một tai họa thương tâm nào, người dân đều bày tỏ sự chia sẻ của mình đối với những người kém may mắn, bằng cách làm từ thiện.

Chỉ nói riêng người dân TPHCM thôi thì cách mà họ làm từ thiện cũng hết sức phong phú. Có thể gom lại như thế này: Nếu là tiểu thương ở các chợ lớn như An Đông, Bến Thành,Tân Định…, thì chị em tự đóng góp và tự tổ chức đi trực tiếp để thăm hỏi, động viên và phân phát tiền, quà.

Với chị em, của cho không bằng cách cho nên được đi trực tiếp là việc họ hằng mong muốn. Đối với các phật tử của các chùa lớn, họ cũng tự quyên góp rồi cùng với nhà chùa tổ chức đến vùng cần giúp đỡ để phật tử được dịp thăm viếng và thực hiện đạo hạnh của mình. Bà con dân phố, ngoài đóng góp cho tổ dân phố theo sự huy động chung của UB MTTQ, họ còn mang tiền đến các tòa soạn báo Sài Gòn Giải Phóng, Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động, Người Lao động… để thông qua báo chuyển tiền đến người dân bị nạn. Có lẽ đây là cách phổ biến mà người có lòng nhân ái ở TPHCM làm việc thiện lâu nay.

Theo họ, chuyển cho các báo vì báo chí không chỉ phản ánh trung thực tình hình thiệt hại, mà còn đi tận nơi cần đi để thay mặt bạn đọc chuyển tiền, quà đến những người cần giúp đỡ nhất, để rồi sau đó báo chí còn công khai số tiền mà bạn đọc đã đóng góp trên báo đã được đưa đi dâu… Những con số mà bạn đọc đóng góp sau các cơn bão vừa qua cho các tờ báo TP đã nói lên tấm lòng của người dân TP. Theo tôi, làm việc thiện là chuyện của tấm lòng, hoàn toàn tự nguyện, nên để người dân tự định đoạt nơi họ cần trao gửi, không nên bó hẹp chỉ vào hai cơ quan.

THANH THÚY

Để giúp các con tôi có tấm lòng nhân ái- “Thương người như thể thương thân”, tôi đã tập cho chúng biết nuôi “heo” bằng cách mỗi ngày tiết kiệm tiền quà sáng và vài tháng sau thì đập ống heo để có số tiền giúp đỡ những gia đình cơ nhỡ hay những gia đình ở miền Trung gặp khó khăn sau những cơn bão đi qua. Việc làm nhân ái này đã trở thành nếp sinh hoạt đáng quý của gia đình tôi nói riêng và của dân tộc ta nói chung.

Là bạn đọc của Báo SGGP, tôi thường xem trên Trang Nhịp cầu Nhân ái, số ra ngày thứ năm hàng tuần, để tìm xem hoàn cảnh cơ nhỡ nào cần giúp đỡ, sau đó tôi đến nhờ Ban Chương trình xã hội chuyển hộ. Sở dĩ tôi đặt hết niềm tin vào Báo SGGP là do báo có nhiều chương trình từ thiện thiết thực như xây nhà cho những gia đình bị mất nhà sau cơn bão số 6…; khi trao xong tiền của bạn đọc là có đưa tin viết bài trên báo để bạn đọc thấy được kết quả việc làm từ thiện từ số tiền của mình.

Được biết sắp tới có dự thảo quy định những địa chỉ cụ thể nhận tiền từ thiện của các nhà hảo tâm, chứ không còn tình trạng các nhà hảo tâm đến tận nơi trao tiền, quà như trước đây. Chúng tôi đề nghị cần xem lại việc quy định nêu trên vì nó cứng nhắc, không phù hợp với thực tế khách quan. Bởi lẽ tiền từ thiện là do tấm lòng tự nguyện của người dân, chứ đâu phải là tiền ngân sách mà có sự can thiệp từ phía Nhà nước.

NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục