
Đất trời vào xuân, vạn vật khoe sắc muôn màu khiến cảm xúc thêm dạt dào, nên mùa xuân cũng là mùa nở rộ những áng thơ hay. Chỉ cần lướt qua những tờ báo Tết sẽ thấy tất cả đều ưu ái với thơ một cách đáng quý. Song, cho dù có báo đã dành hẳn 4-5 trang cho thơ, nhưng xem ra khó lòng mà đăng tải hết, nên trong chuyện thơ Tết cũng còn nhiều chuyện vui...

Đầu tiên, phải nói đến chuyện làm thơ, bởi bây giờ dường như có nhà thơ chỉ chuyên làm thơ…Tết. Cả năm, chẳng thấy những nhà thơ này gửi bài thơ nào, nhưng cứ đến độ xuân về là cảm xúc xuân tuôn ào ạt, tung ra hàng chục bài. Nếu đề xuất kỷ lục, thì có nhà thơ một năm đăng tới … 45 bài thơ xuân trên các báo từ Nam chí Bắc. Còn số nhà thơ có chừng mươi bài trở lại thì khó mà kể hết.
Kế đến là chuyện đăng thơ. Ở thời buổi mà nhiều người ví von là người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ, nên để đăng được một bài thơ trên báo Tết quả không ít khó khăn. Những ngày cuối năm, làm báo Tết, trung bình mỗi tòa soạn báo, chí ít cũng nhận được hằng trăm bài thơ và cách chọn đăng thơ vẫn thường là ưu tiên những tác giả quen thuộc, nổi tiếng. Thứ đến là qua mối quan hệ quen biết thân tình…
Thơ là cảm xúc tâm huyết của người làm thơ, nên với người thực sự yêu thơ, đọc thơ Xuân cũng là cái thú. Ở đó, người đọc có thể cảm nhận được hình ảnh của những miền quê đang độ xuân về, những tình tự mộc mạc được diễn đạt bằng nhiều ý thơ lạ, gợi nhớ bao điều từ trong tâm khảm mỗi người về bến nước làng quê từ thuở thiếu thời, hồi tưởng của những hồn thơ nay đã bạc đầu về đấng sinh thành, về dấu xưa qua những mùa xuân cũ, những nỗi lòng chừng như chỉ biết tỏ bằng thơ…Ở mùa thơ Tết năm nay có thể bắt gặp ở Góc quê hương của nhà thơ chuyên viết bằng chân: Nguyễn Ngọc Ký đăng trên báo Tết Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh “Nơi ấy có mảnh ao nho nhỏ.
Cây vối già đâm nụ mỗi xuân. Hoa vối rơi…bóng em loang vở. Anh tần ngần không nỡ rời chân”… Hay như Nguyễn Phan Hách với Sắm tết tuổi thơ đăng trên báo Tết Sài Gòn Giải Phóng “Mẹ xưa đi chợ ngày giáp tết. Bán lá thu vàng bán gió đông. Mẹ mua chút nắng mùa xuân mới. Đựng trên gò má thắm tươi hồng. Mẹ đựng mưa hoa trên nón trắng. Bao xanh vạt áo đựng gió trời. Mẹ bán vầng mây hiu hắt cũ. Mua chút mây vàng náo nức vui.Hẳn là những vần thơ khiến người cùng tâm trạng không thể không nao lòng! Hoặc những tứ thơ là lạ như Đừng em, đừng ngủ làm gì. Thức mà nghe bước xuân thì đang dâng. Đắm trong hồng nắm ngực trần. Mình tan vào khúc khỏa thân đêm này… (Tuấn Khanh- Báo xuân Văn Nghệ TPHCM)
Với các nhà thơ, quả là không điều gì vui bằng có bài thơ được chọn đăng trên một tờ báo Tết có số phát hành lớn, vui nhất là có thơ mình trong ấn phẩm đặc biệt này để làm món quà xuân với bạn bè, cùng là dịp khẳng định chút tài văn chương, thêm khoản vật chất được rủng rỉnh ít tiền, bởi nhuận bút thơ vào dịp này được trả đến gấp ba bốn ngày thường, có khi còn là món tiền tặng vợ để trả nợ “lấy điểm” bù cho quanh năm suốt tháng chỉ có…thơ!
Nói chuyện làm thơ Tết để cảm thông thêm nỗi nhọc nhằn vốn dĩ của những nhà thơ, song có thể nói thơ Tết đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong những ngày xuân, nó như phả vào cuộc sống thêm nhiều cảm xúc thi vị, đồng điệu với muôn vạn tâm hồn…Và nói chuyện thơ Tết không thể không nhắc đến hai tờ báo luôn đầy nghĩa tình với những nhà thơ là tờ Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) và Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, bởi hầu như nhà thơ nào gởi thơ đến cũng đều được đăng, không trọn bài thì trích một đoạn và như vậy cũng đủ mang lại những niềm vui nho nhỏ với những nhà thơ…
Khanh Khanh