Có 15/22 mục tiêu tái cơ cấu kinh tế hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành

Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội đã tạo chuyển biến rõ nét trong hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế với 234 văn bản được ban hành, bao trùm hầu hết các ngành, lĩnh vực. Dự kiến có 15/22 mục tiêu hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành.

 

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 20-10.

Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội đã tạo chuyển biến rõ nét trong hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế với 234 văn bản được ban hành, bao trùm hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, một số quy định vẫn chậm được bổ sung, sửa đổi như: Quy định về tiêu chí sắp xếp, lựa chọn và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công phù hợp với thông lệ quốc tế; cơ chế, tổ chức bộ máy điều phối phát triển vùng; quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…

Trong số các mục tiêu cụ thể, Chính phủ cho biết, có 15/22 mục tiêu hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành. Trong đó, các mục tiêu về năng suất, đổi mới công nghệ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam dẫn đầu trong nhóm 29 nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4 được thu hẹp đáng kể. Các mục tiêu về nợ công hoàn thành vượt xa mục tiêu đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia, giảm áp lực trả nợ lên ngân sách nhà nước.

Mặc dù vậy, vẫn còn 7/22 mục tiêu tuy đã có nhiều cải thiện so với năm 2016 và thời điểm đánh giá giữa kỳ năm 2018 nhưng có khả năng không hoàn thành, làm giảm chất lượng, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển. Đáng lưu ý, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn khoảng cách so với các nước ASEAN-4 và thông lệ quốc tế tốt. Chưa xây dựng được các tiêu chí lượng hóa hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; tính minh bạch, trách nhiệm giải trình chưa cao.

Các mục tiêu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 24 cơ bản cũng không đạt. Đến tháng 6-2020 chỉ hoàn thành 28% kế hoạch cổ phần hóa theo Danh mục phê duyệt trong giai đoạn 2017-2020 và còn 28 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, nhưng vẫn thấp hơn gần 25% so với mục tiêu đề ra. Cơ cấu, chất lượng khu vực doanh nghiệp chậm chuyển biến, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, công nghiệp công nghệ cao, có tầm quốc tế. Năng lực tài chính, trình độ công nghệ, hiệu quả kinh doanh và khả năng kết nối với các doanh nghiệp FDI chưa cao.

Về định hướng xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận định, giai đoạn 2021-2025, cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế quyết liệt hơn nhằm nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, “giải phóng” nguồn lực sản xuất của nền kinh tế.

Có bản tán thành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ trình, song Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh yêu cầu bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các quy định về đầu tư công phù hợp với thông lệ quốc tế, bộ máy điều phối phát triển vùng, quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Liên quan đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thu hút, sử dụng FDI có chất lượng, hiệu quả; cơ quan của Quốc hội đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành, phát triển một số doanh nghiệp tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân đóng góp 55% GDP, nâng cao hơn nữa tính tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI.

Phân bổ 100.000 tỷ đồng vốn trong nước cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Về mục tiêu, định hướng, nguyên tắc xây dựng KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, Ủy ban TCNS nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ, bảo đảm phù hợp với các Nghị quyết của Đảng trong giai đoạn tới; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật về ngân sách và đầu tư công; phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; phù hợp với kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, cơ quan của Quốc hội yêu cầu việc xây dựng KHĐTCTH phải dựa trên dự báo tình hình tác động của đại dịch Covid-19 và những thách thức khó khăn của kinh tế thế giới.

Đối với vốn trong nước, Chính phủ dự kiến phân bổ cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là 100.000 tỷ đồng. Đối với CTMTQG Xây dựng nông thôn mới và CTMTQG Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, dự kiến được bố trí 50.000 tỷ đồng, thấp hơn so với giai đoạn trước. Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ về ưu tiên vốn cho các CTMTQG, song đề nghị rà soát kỹ lưỡng tránh trùng lắp về đối tượng, địa bàn, nội dung chính sách của các CTMTQG và mức vốn cần thiết để đảm bảo hiệu quả của mỗi chương trình.

Tin cùng chuyên mục