
Ngày 15–5, hai ngày sau khi cuộc bạo loạn ở thành phố Andijan bùng phát, ước tính con số thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo động đã lên đến 500 người. Đây có thể là một sự kiện đẫm máu nhất trong lịch sử Uzbekistan.
Cho đến thời điểm này chính quyền Nga vẫn chưa đưa ra phản ứng gì trước yêu cầu của những người nổi loạn đề nghị Nga làm trung gian cho cuộc đàm phán với chính phủ của Tổng thống I. Karimov. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nga cho biết Mátxcơva đã thu thập được một số bằng chứng tình nghi Taliban và các chiến binh Hồi giáo đứng đằng sau vụ bạo loạn mấy ngày qua.

Người dân Uzbekistan băng qua cây cầu biên giới để chạy lánh nạn sang Kyrgyzstan.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga cùng xác nhận có sự kiện các chiến binh Hồi giáo, gồm cả lực lượng Taliban, đã tổ chức các cuộc tập trung tại thung lũng Ferghana, điểm biên giới giữa Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, ông Valery Loshichinin bình luận “bất ổn ở thành phố Andijan diễn ra theo một mưu đồ đã được định trước”.
Trước đó, Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Uzbekistan I. Karimov cũng đã điện đàm thảo luận tình hình tại thành phố Andijan, bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về nguy cơ mất ổn định tình hình ở khu vực Trung Á và thỏa thuận sẽ tiếp tục cuộc trao đổi ý kiến thường kỳ. Phía chính phủ của Tổng thống Karimov bác bỏ việc ra lệnh cho quân đội nổ súng, đồng thời cũng cáo buộc sự kích động của các phần tử Hồi giáo cực đoan đối với vụ bạo loạn này.
Theo nhận định của giới quan sát, vụ bạo loạn này có thể là một “cuộc cách mạng xanh”, theo mô tuýp của “cuộc cách mạng màu da cam” ở Ukraine (hồi tháng 12 năm ngoái) hay “cuộc cách mạng hoa hồng” ở Gruzia (tháng 11 – 2003) và mới đây nhất hồi tháng 3 là cuộc cách mạng hoa tulip lật đổ chính phủ ở nước láng giềng Kyrgyzstan. Tất cả các cuộc cách mạng có một kết quả chung là chính phủ cầm quyền bị lật đổ bắt đầu từ những cuộc biểu tình rầm rộ.
Tuy nhiên, khác với 3 cuộc cách mạng trên được các thế lực phương Tây hậu thuẫn, nếu xảy ra, cuộc cách mạng lần này ở Uzbekistan lại do lực lượng Hồi giáo quá khích kích động. Mỹ và một số thế lực phương Tây đã từng dự đoán trước tình thế này và không khỏi lo ngại.
Trước tình hình trên, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã đề nghị được giúp đỡ Uzbekistan giải quyết cuộc xung đột xảy ra ở miền Đông nước này. Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jaap de hoop Scheffer, Bộ Ngoại giao Đức và Anh cũng đã kêu gọi các bên xung đột tại Uzbekistan kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp và tìm giải pháp hòa bình.
X.H. (Theo Novosti, Reuters)
Những diễn biến mới nhất |
Tin, bài liên quan:
Ước tính có khoảng 500 người đã thiệt mạng
Bạo loạn lan sang biên giới Kyrgyzstan
Đã kiểm soát được tình hình
Biểu tình biến thành xung đột, 9 người thiệt mạng