Chiều 20-5, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo kiểm toán, thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, cơ cấu nguồn thu năm 2017 chưa thực sự bền vững, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán.
Cơ cấu thu ngân sách chưa đạt mục tiêu
Trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá, dù quyết toán thu NSNN tăng 6,7% so với dự toán (đạt 1.293.627 tỷ đồng) - mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây (năm 2016 tăng 10,9%; năm 2015 tăng 15,1%), song kết quả tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất (61.713 tỷ đồng), lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (15.201 tỷ đồng).
Cơ cấu thu NSNN chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ thu nội địa (không kể dầu thô) tăng dần theo từng năm (năm 2017: 80,3%; năm 2016: 80,1%; năm 2015: 75,1%; năm 2014: 68,5%) song tốc độ chuyển dịch có xu hướng giảm dần và chưa đạt mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 (mục tiêu 84%-85%). Tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Việc quản lý thu ngân sách tại một số cơ quan thuế, hải quan còn thiếu chặt chẽ, miễn giảm thuế không đảm bảo điều kiện quy định; xử lý kết quả thanh, kiểm tra không phù hợp với quy định…
Đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhìn nhận, cơ cấu thu ngân sách có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng dần qua từng năm, song còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra; tốc độ chuyển dịch có xu hướng chậm lại; chính sách thu chậm được sửa đổi...
Bên cạnh đó, công tác lập, giao dự toán thu chưa sát thực tế; cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán. Chính vì vậy đã dẫn đến một số khoản thu vượt dự toán khá lớn, song nhiều khoản thu quan trọng từ sản xuất, kinh doanh không đạt dự toán; tăng thu chủ yếu từ đất và dầu thô; một số khoản thu lập, giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện nên ngân sách trung ương hụt thu năm thứ 3 liên tiếp; tiếp tục có 33/63 địa phương hụt thu cân đối.
Cùng với đó, số lượng các doanh nghiệp mới thành lập tăng nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn kém, hiệu quả hoạt động chưa cao, số thu thuế chưa nhiều và cũng có nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể ảnh hưởng đến số thu nộp ngân sách. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để.
Tỷ trọng chi lương, phụ cấp cao
Theo ông Hồ Đức Phớc, về chi, kết quả kiểm toán cho thấy, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn đầu tư thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.
Về chi thường xuyên, theo người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn việc một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập dự toán chi không sát thực tế, sai quy định; không thực hiện cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên đã có trong dự toán; đến ngày 30-6-2017 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2017, chi thường xuyên là 881.687 tỷ đồng. Trong đó, lương và phụ cấp 296.698 tỷ đồng, các khoản đóng góp theo lương hơn 47.023 tỷ đồng, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là 47.816 tỷ đồng. Tổng cộng hơn 391.538 tỷ đồng.
Nhận xét về điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khu vực nhà nước, thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được kết quả nhất định, song triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại NSNN. Tỷ trọng chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương cao, chiếm 39% tổng chi thường xuyên. Nếu tính thêm lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội thì chiếm 44%.
Theo báo cáo quyết toán NSNN năm 2017 của Chính phủ, bội chi NSNN là 136.963 tỷ đồng (ngân sách địa phương không bội chi), bằng 2,74% GDP thực hiện. Dư nợ công đến 31-12-2017 là 3.073.294 tỷ đồng, bằng 61,37% GDP, trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP). Tuy nhiên, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2016 (tăng 7,13%, tương ứng số tiền 204.413 tỷ đồng). |