Thời gian gần đây, người dân TPHCM thấp thỏm âu lo khi hàng ngày phải đối mặt với nhan nhản người sử dụng ma túy ngay trong cộng đồng. Hàng loạt các vụ gây án cướp của, giết người dã man phần lớn do các con nghiện ma túy gây ra.
Còn nhớ khoảng thời gian 1998 - 2000, TPHCM triển khai chương trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, kết quả có đến 99% người tái sử dụng ma túy. Sau đó, từ năm 2003 - 2008, TPHCM thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện (Nghị quyết 16/2003). Hơn 30.000 người nghiện ma túy được đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung. An ninh trật tự trên địa bàn TP được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự mỗi năm mỗi giảm, nhiều người sau khi ra trường kiếm được việc làm ổn định, rời xa ma túy. Nhưng quan trọng hơn, mô hình này không chỉ đơn thuần dạy nghề cho người sau cai nghiện mà còn góp phần trả lại nhân cách cho những con người một thời lầm lỡ.
Dạo ấy, ai có dịp lên thăm các trường trại ở tỉnh xa mới thấy hết sự gian lao, vất vả và đôi khi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt của những cán bộ tình nguyện, chiến sĩ xung kích và những thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ - những con người quả cảm, biết hy sinh hạnh phúc bản thân để “giành giật từng mảnh đời rồi trả về cho đời”. Chúng ta đã làm một việc đầy tính nhân văn, nhân đạo như thế. Rõ ràng cai nghiện tập trung đã cho thấy đây là giải pháp hữu hiệu để hóa giải tệ nạn ma túy.
Nhưng giờ đây chúng ta đang thực hiện chủ trương cai nghiện tại gia đình và cộng đồng (theo Nghị định 94/2010) và duy trì hạn chế cai nghiện tập trung. Cả năm 2014, chúng ta đối mặt với sự bế tắc toàn diện trên mọi hình thức cai nghiện; ở tất cả giai đoạn chăm sóc, hỗ trợ người có biểu hiện sử dụng ma túy: Không có người nào tự nguyện tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; không đưa được người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh tập trung; không có phác đồ điều trị người nghiện ma túy tổng hợp… TPHCM đang có khoảng 19.000 người có biểu hiện sử dụng ma túy, trong đó khoảng 60% là người từ các tỉnh, thành khác “chảy” về TP. Con nghiện ma túy đang hoành hành, thậm chí, đến giám đốc trung tâm cai nghiện ma túy cũng bị con nghiện xin tiền để hút chích.
“Ai chịu trách nhiệm cho tình trạng này, phải có người chịu trách nhiệm chứ?”, câu hỏi đặt ra trong một buổi giám sát về công tác cai nghiện tại Sở LĐTB-XH TPHCM mới đây đã không có câu trả lời. Bài học mới thấm thía hơn khi thành quả của Nghị quyết 16/2003, TP không có điều kiện để giữ gìn, phát huy được. Nay TP lại phải nỗ lực xin một cơ chế tình thế, lại là thí điểm, để giải quyết bế tắc trong công tác cai nghiện ma túy. Thử hỏi, nếu chúng ta không nhìn thẳng vào thực tế, cứ nhất quyết bước lại vết xe cũ thì chúng ta sẽ thí điểm để làm gì và thí điểm đến bao giờ?
MẠNH HÒA