Doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị

Có chính sách ưu đãi lãi suất tín dụng

Có chính sách ưu đãi lãi suất tín dụng

Chưa có buổi giao ban xuất khẩu nào lại bao trùm không khí nặng nề, căng thẳng như lần này. Hàng loạt vấn đề nóng bỏng như doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về vốn, lãi suất tăng cao, tỷ giá ngoại tệ, nguy cơ sẽ có một cuộc khủng hoảng sản xuất đối với DN xuất khẩu… Đây là những vấn đề đặt ra tại cuộc họp giao ban xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2008 do Bộ Công thương tổ chức vào chiều ngày 14-3 tại TPHCM.

Thụt lùi

Có chính sách ưu đãi lãi suất tín dụng ảnh 1

Dây chuyền sản xuất đồ hộp xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Tân Bình. Ảnh: THÀNH TÂM

Theo ông Phạm Thế Dũng, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, quý 1-2008, kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến đạt 13,2 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2007.

Theo ông Dũng, dù kim ngạch xuất khẩu 3 tháng tăng nhưng nếu so sánh với mức tăng 29,2% của 2 tháng đầu năm thì xuất khẩu hàng hóa đang có biểu hiện tăng trưởng thụt lùi, giảm tới 5%.

Điều này cho thấy đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của sự bất thường việc xuất khẩu hàng hóa - một thực tế rất đáng lo ngại! Theo đó, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của dầu thô.

Sản lượng xuất khẩu của mặt hàng này không tăng nhưng kim ngạch đã tăng tới 45% so với cùng kỳ. Nếu loại bỏ dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của chúng ta chỉ tăng 15%.

Tương tự, với nhóm mặt hàng nông lâm, thủy hải sản dự kiến sẽ đóng góp khoảng 40% cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nếu không có sự tăng mạnh về giá thì chắc chắn sẽ khó đạt được chỉ tiêu tăng trưởng. Nguyên nhân chính là lượng hàng xuất khẩu của chúng ta đã đều đến ngưỡng, mặc dù có nhiều thuận lợi về thị trường, về giá.

Một áp lực khác đang đè nặng lên cán cân thương mại, đó là 3 tháng đầu năm, chúng ta đã nhập siêu tới 7,5 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ và gần bằng 1/2 kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với những biểu hiện này, cho thấy yêu cầu tăng kim ngạch xuất khẩu lên 25%, đạt khoảng 60,7 tỷ USD của Thủ tướng Chính phủ giao sẽ thực hiện trong khó khăn.

Càng xuất khẩu càng lỗ

Trong 7 ý kiến phát biểu của đại diện các hiệp hội, DN đều cho rằng, bước vào tháng 3-2008, tình hình sản xuất, kinh doanh đã đi ngược lại hoàn toàn so với dự báo xuất khẩu hồi cuối năm 2007. Bộ Công thương chắc chắn sẽ phải đối mặt với các vụ kiện vì DNVN không đáp ứng đơn hàng theo đúng tiến độ.

DN sẽ phải ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng sẽ là xu hướng tất yếu vì các DN càng xuất khẩu sẽ càng bị lỗ nặng. Nguyên nhân chính là giá nguyên liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng, lương công nhân, phí vận chuyển… đều tăng mạnh, trong khi đồng USD lại tụt giảm.

Có chính sách ưu đãi lãi suất tín dụng ảnh 2

Nhiều nhà máy chế biết hạt điều duy trì hoạt động để giữ công nhân vì càng xuất khẩu càng lỗ. Ảnh: Đ.P.

Theo tính toán của ông Nguyễn Thái Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, Tổng Giám đốc Công ty Donafood, chi phí để chế biến nguyên liệu đã tăng khoảng 40%, trong khi giá thành sản phẩm chỉ tăng 25%.

Nếu tính theo tỷ giá, khi xuất khẩu 1 tấn nhân điều sẽ bị lỗ từ 2,5 - 2,7 triệu đồng/tấn. 3 tháng đầu năm ngành điều đã ký hợp đồng xuất khẩu 170.000 tấn, với kim ngạch khoảng 730 triệu USD.

Với mức lỗ nêu trên, chỉ trong một thời gian ngắn ngành điều đã bị lỗ tới 160 tỷ đồng. Một khó khăn khác, ngành điều đang vào mùa thu hoạch.

Để chuẩn bị nguồn hàng, nhiều DN đã “nhắm mắt” vay ngân hàng với lãi suất lên tới 1,7%/tháng nhưng không phải DN nào cũng được giải ngân. Trong số 80.000 tấn điều đã được thu mua, thì có tới nửa DN chế biến còn nợ tiền các đại lý và người dân.

Ông Phạm Trung Cang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN chua chát nói: Chính phủ đang ưu tiên cho các biện pháp để chống lạm phát hơn là thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Hầu hết các DN trong ngành nhựa đang giảm sản lượng, tiến tới sẽ sa thải hàng loạt công nhân để duy trì sản xuất, vượt qua cơn bĩ cực.

Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản VN (Vasep) Trương Đình Hòe cũng cho rằng, chúng tôi chưa kịp mừng vì phía Mỹ đã giảm mức thuế bằng 0% cho 25 DNVN thì ngay lập tức giá nguyên liệu trong nước đã giảm mạnh từ 10% - 15%.

Nguyên nhân chính là tôm, cá tra đã đến mùa thu hoạch nhưng các DN sản xuất lại đang phải giảm sản lượng, không có tiền để thu mua nguyên liệu. Nếu tình hình này kéo dài thì e rằng chỉ đến tháng 7, nguồn nguyên liệu chế biến sẽ cạn kiệt!

Phải ổn định tỷ giá, giảm lãi suất

Theo nhận định của các DN, để cứu các DN, việc đầu tiên là phải ổn định tỷ giá, đồng thời xác định lại tỷ giá cho hợp lý. Tiến tới giảm lãi suất cho các DN xuất khẩu vay vốn. Tăng tỷ lệ cho vay bằng ngoại tệ thay vì chỉ cho vay theo hợp đồng để thanh toán nước ngoài vì lẽ lãi suất của ngoại tệ hiện nay là 1%/tháng, trong khi tiền đồng VN đang khan hiếm đã đẩy lãi suất lên tới hơn 19% - 20%.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã kêu gọi các DN nên đa dạng hóa ngoại tệ thay vì tập trung vào đồng USD đang bị giảm giá mạnh trên thị trường thế giới. Ngoài ra, tự bản thân DN cũng nên cập nhật thông tin để nắm bắt và dự đoán những biến động về tiền tệ, thị trường từ đó chủ động trước những điều chỉnh chính sách tiền tệ của Chính phủ.

“Tất cả những kiến nghị của DN hiện nay sẽ được tập hợp để trình Chính phủ sớm đưa ra những biện pháp khẩn cấp nhằm giảm bớt gánh nặng cho DN, trong đó có việc yêu cầu ngân hàng đưa ra chính sách ưu đãi lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực xuất khẩu và thu vào đồng USD hoặc ngoại tệ có nguồn gốc xuất khẩu” – ông Biên kết luận. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục