
Dư luận, người dân TPHCM vô cùng phẫn nộ và đau xót trước vụ việc 4 học sinh Trường THCS Trần Phú bị nhục hình, bị xúc phạm thân thể một cách dã man. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc. |
Thông tin trên các báo về sự kiện 4 em học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Phú bị đánh đập dã man xảy ra tại phường 15 quận 10 đã gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội, nhất là khi sự kiện xảy ra tại môi trường giáo dục ở một TP trung tâm của cả nước. Nếu các dữ kiện được thẩm tra là đúng, theo chúng tôi, hành vi của 4 người được xác định là dân quân thường trực thuộc BCHQS quận 10 có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, được nhìn nhận như sau:
Thứ nhất, mặc dù có thể một số em học sinh có hành vi “bốc thăm mã số” để đánh các em học sinh khác là vi phạm quy chế nhà trường, đạo đức học sinh và trái pháp luật, nhưng việc bắt, giữ đưa các em học sinh từ nhà trường về trụ sở BCHQS phường 15 để đánh đập, tra khảo là xâm phạm đến thân thể, quyền tự do của công dân, có dấu hiệu phạm tội “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS).
Dấu hiệu khách quan của tội phạm này là hành vi của người không có thẩm quyền, không có chức năng của cơ quan và người tiến hành tố tụng, hành vi vi phạm của các em học sinh (nếu có) không thuộc trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã. Mặt chủ quan của tội phạm là hành vi thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp (động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc). Rõ ràng, mặc dù có hợp đồng bảo vệ “vòng ngoài” đối với nhà trường, nhưng có thể khẳng định các dân quân nói trên không có chức năng và thẩm quyền giải quyết vụ việc, mà phải chuyển giao yêu cầu này đến cơ quan công an sở tại giải quyết.
Hành vi nói trên có nhiều tình tiết phạm tội, có thể bị xử phạt từ 1 đến 5 năm tù theo khoản 2 như có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, phạm tội đối với nhiều người; nếu xác định gây hậu quả nghiêm trọng thì khung hình phạt theo khoản 3 có thể lên tới 10 năm tù. Nếu kết quả giám định thương tích của các em học sinh này trên 11% thì các dân quân nói trên có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo quy định tại Điều 104 BLHS.
Ngoài ra, hành vi trên có thể bị xem xét về dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 121 BLHS, bởi họ đã có những hành vi bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của trẻ em, như lăng mạ, chửi bới đe dọa, lột quần áo giữa ban ngày... với mục đích làm nhục người khác. Các tình tiết có thể được coi là tình tiết định khung với mức hình phạt từ 1 đến 3 năm tù là phạm tội đối với nhiều người, lợi dụng chức vụ quyền hạn...
Thứ hai, ở đây, một vấn đề rất đáng suy nghĩ là thái độ và cách hành xử của giám thị và một cá nhân trong Ban giám hiệu nhà trường đã có hành vi bỏ mặc, tiếp tay bằng cách đưa học sinh của mình cho những người không có thẩm quyền, chức năng giải quyết vụ việc, lại không tiến hành xác minh làm rõ nhằm xử lý các em học sinh nếu có vi phạm. Nếu xác định lỗi của những người này là vô ý, họ có dấu hiệu của hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 285 BLHS.
Tuy nhiên, việc xem xét các hành vi của các dân quân và các giáo viên có trách nhiệm của nhà trường về mặt hình sự phải được tiến hành một cách thận trọng, khách quan, đảm bảo đúng pháp luật tố tụng hình sự và tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng bị tình nghi phạm tội.
Luật sư Phạm Kim Oanh
Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh
Nghiêm trị những kẻ đánh đập học sinh một cách dã man

Học sinh Trường THCS Trần Phú chưa hết bàng hoàng vì sự việc xảy ra ở trường mình. (Ảnh chụp trưa ngày 16-11). Ảnh: K.H.
Câu chuyện về bé gái giúp việc gia đình Nguyễn Thị Bình bị đánh đập dã man ngay giữa lòng thủ đô chưa kịp lắng xuống thì mới đây, ngay giữa quận trung tâm của TPHCM lại xảy ra câu chuyện khiến dư luận đau xót và bàng hoàng.
Đó là việc 4 học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Phú quận 10 bị các dân quân phường 15 quận 10 tra khảo, đánh đập dã man bằng dùi cui suốt 3 giờ liền. Thậm chí các em còn bị lột quần áo giữa ban ngày… Là cha mẹ - chúng ta không khỏi đau đớn, căm giận. Đang ở độ tuổi mới lớn (14 tuổi) và non nớt như những mầm non rất dễ tổn thương, làm sao các em học sinh có thể chịu đựng nổi nỗi đau nhục hình mà người lớn đánh phủ đầu như thế.
Vậy mà, những có trách nhiệm chính là nhà trường lại tiếp tay cho những hành vi xâm hại thân thể, tinh thần các em một cách thô bạo và thiếu tính người như thế. Nghe em Mohamad Zamath – người bị nghi oan là chủ mưu kể lại hình thức nhục hình, bức cung của hai dân phòng chúng tôi tưởng tượng ra cảnh tra tấn man rợ. Đó là khi em bốc trúng chữ nào thuộc một trong những bộ phận cơ thể như tay, chân, lưng, ngực, hông liền bị họ đá đấm không thương tiếc vào ngay chỗ đó.
Dã man hơn nữa là sau khi đánh em Zamath gục ngã, họ còn dùng dây điện chích vào háng, vào nách của em và còn dùng súng uy hiếp tinh thần của em. Là cha mẹ có con cái đang theo học ở các trường phổ thông trên TP, lòng chúng tôi quặn thắt, đớn đau khôn cùng. Khi gởi con cái vào môi trường học đường, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và giao phó tính mạng của con mình cho nhà trường.
Vậy mà không hiểu sao ông Hiệu phó Trường Trần Phú lại thiếu trách nhiệm và vô cảm, vô tâm khi giao sinh mạng 4 em học sinh cho những người không có chức trách, thẩm quyền xử lý? Dù ngay cả khi các em học sinh có tham gia trò chơi “bốc thăm trúng thưởng” hoặc vi phạm đạo đức - đánh nhau, thì nhiệm vụ của nhà trường là phải giáo dục và có trách nhiệm phối hợp với gia đình tìm biện pháp giáo dục, uốn nắn kịp thời chứ không thể giao vụ việc thuộc phạm vi của mình xử lý cho lực lượng dân quân.
Chúng tôi hoan nghênh ông Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã có quyết định kịp thời đình chỉ công tác đối với ông Hiệu phó Trường THCS Trần Phú, Đặng Đình Học. Thế nhưng, hành vi của những người liên quan ở phường đội phải được pháp luật nghiêm trị để răn đe những kẻ cố tình ngược đãi, xâm hại thân thể học sinh, trẻ vị thành niên.
Hoàng Ân Hùng
Thành Thái Q.10, TPHCM
Phẫn nộ và hơn thế nữa
Lâu nay, chúng ta từng xót xa cho tình cảnh của nhiều em học sinh là nạn nhân của nhữõng vụ điều tra do nhà trường giải giao cho công an. Đó chưa phải là bằng chứng mà ngành sư phạm cần phải rút kinh nghiệm hay sao? Vậy mà hôm nay, ngay tại TPHCM, Hiệu phó Trường THCS Trần Phú Đặng Đình Học lại giao 4 học sinh cho các dân quân để những người này tự do đánh đập gây thương tích, xúc phạm nhân phẩm của học sinh! Lẽ ra nhà trường phải tìm hiểu cặn kẽ những lỗi lầm của các học sinh này và cùng với cha mẹ các em tìm cách giải quyết, nếu cần thì có hình phạt thích đáng.
Nhà trường, nơi các em học sinh đến để được nhận những lời giáo huấn của thầy cô giáo, và thầy cô giáo với nghề nghiệp cao quý của mình dạy cho các em biết điều hay lẽ phải, biết phân biệt đâu là những trò đùa nguy hại. Và nếu học sinh vi phạm nội quy nhà trường thì thầy cô giáo cùng với phụ huynh có bổn phận làm sáng tỏ chứ sao lại giao cho các dân quân địa phương – bộ phận không có thẩm quyền xử lý, đánh đập học sinh của mình như thế? Khi làm điều này nhà trường có lường được hậu quả như thế nào không?
Hẳn là nhà trường đã cảm thấy bất lực trong việc giáo dục hay là nhà trường hành động như thế cho bõ ghét, cho các em tởn tới… già. Vậy thì, chúng tôi là cha mẹ của các em học sinh phải suy nghĩ có nên tiếp tục cho con em mình học tại trường này nữa không? Vì làm sao trong từng ấy thời gian, với lứa tuổi hiếu động của chúng lại không mắc một lỗi lầm nào. Chẳng lẽ mỗi khi các em phạm lỗi sẽ bị nhà trường giao cho dân quân đánh đập với những ngón đòn dã man như thế sao?
Qua việc làm này, với hậu quả nghiêm trọng như thế, BGH Trường THCS Trần Phú phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thu Thi (Q3, TPHCM)
Phải làm rõ trách nhiệm của nhà trường?
Là phụ huynh học sinh có con em đang tuổi đi học, nghe báo đài thông tin vụ việc 4 em học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Phú (Q10, TPHCM) bị một nhóm dân phòng đánh đập dã man chúng tôi vô cùng phẫn nộ. Không hiểu ban giám hiệu nhà trường nghĩ gì khi tự ý đem giao học sinh của mình cho dân quân, lực lượng vốn không có chức năng tham gia giải quyết các vụ việc dân sự. Sự việc các em học sinh đánh nhau không phải là chuyện gì quá ghê gớm, ngược lại đây là việc rất thường hay xảy ra ở các trường học, nhà trường hoàn toàn có đủ thẩm quyền xử lý giáo dục, răn đe các em. Thế nhưng, ông hiệu phó nhà trường lại ủy thác trách nhiệm cho dân quân phường chỉ vì lý do “nhà trường có ký hợp đồng để bảo vệ vòng ngoài”.
Mặt khác, lại không thông báo cho phụ huynh học sinh hay biết, như vậy có quá vô cảm và thiếu lương tâm trách nhiệm của nhà giáo hay không? Chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng ngành giáo dục sớm có biện pháp xử lý, làm rõ trách nhiệm của ban giám hiệu Trường THCS Trần Phú nhằm bù đắp phần nào nỗi đau thể xác và tinh thần cho các em học sinh bị nhục hình vừa qua.
Phạm Duy Tất (Q1, TPHCM)
Lương tâm người thầy ở đâu?
Ngành giáo dục TPHCM vừa phải hứng chịu một sự thật đau lòng từ chính hành vi sai trái của một cá nhân trong đội ngũ giáo viên của mình – thầy Hiệu phó Trường THCS Trần Phú, Q10. Điều mà dư luận bức xúc, phụ huynh học sinh và chắc chắn cả đội ngũ các thầy cô giáo trên địa bàn TP không thể chấp nhận, đó là lương tâm của người thầy đã bị đánh mất. Thái độ, hành vi cư xử quá mức với những học sinh của chính mình, những người vị thành niên, đang ở trong môi trường giáo dục, trong quá trình hoàn thiện nhân cách, chưa có đủ khả năng nhận thức hoàn chỉnh cuộc sống, nhận thức xã hội một cách đầy đủ.
Bốn học sinh đó chắc chắn không phải là những người phải đối diện với pháp luật, càng không phải là bị can, bị cáo, là tội phạm phải bị trừng trị. Đau lòng hơn nữa, vụ việc xảy ra không phải ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có điều kiện hoàn chỉnh để bổ túc, trau dồi đầy đủ cả đức lẫn tài cho đội ngũ các thầy cô giáo, những nơi ngành giáo dục địa phương không có khả năng bao quát hết tình hình cơ sở, mà lại xảy ra ngay ở một địa bàn trung tâm của cả nước về kinh tế - văn hóa - giáo dục.
Tuy nhiên, đây có lẽ không chỉ là một vụ việc đơn lẻ, điển hình trên địa bàn TP. Thực trạng thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tư cách khá phổ biến hiện nay không thể đổ hoàn toàn cho xã hội, càng không thể giao cho xã hội xử lý như vụ việc nói trên. Hãy giảm bớt khối lượng kiến thức truyền thụ, tăng cường giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân cả cho thầy và trò.
Trần Quang Tuấn