Gần đây, văn học nước ta xuất hiện một nhà văn trẻ chuyên viết truyện trinh thám kết hợp kinh dị và đạt một số thành công bước đầu. Đó là Di Li, tên thật Nguyễn Diệu Linh, một cô giáo dạy văn hóa Anh - Mỹ ở Hà Nội.
1. Vào khoảng nửa trước thế kỷ 20, nền văn học Việt Nam đã từng có một số nhà văn viết truyện kinh dị đường rừng ăn khách như Thế Lữ, Lan Khai ở ngoài Bắc hay Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà ở trong Nam. Rồi sau này, có một vài nhà văn khác cũng viết truyện tình báo, trinh thám nhưng không chuyên và chưa thể hình thành nên một dòng văn học trinh thám hay kinh dị ở nước ta. Nhà văn Di Li thổ lộ, chị đã đọc hầu hết các tác phẩm trinh thám và kinh dị Việt Nam, vì số lượng cũng không nhiều nên dễ sưu tầm tư liệu.
Lý giải về khoảng trống của dòng văn học giả tưởng, Di Li cho rằng, trinh thám và kinh dị thuộc về dòng văn học giả tưởng, mà thế mạnh của nhà văn Việt Nam không ở giả tưởng, mà vẫn thiên về hiện thực, ít chịu tưởng tượng. Bên cạnh đó, bạn đọc nước ta cũng không hẳn ưa chuộng truyện trinh thám như độc giả Nhật Bản. Nhiều cuốn trinh thám dịch kinh điển đã phát hành ở Việt Nam với số lượng bán ra rất khiêm tốn, chưa bằng một phần những câu chuyện tình lãng mạn của các tác giả trong nước. Bản chất người Việt vốn tư duy nặng về tình hơn về lý. Nhiều độc giả không thích những câu chuyện cần đến sự suy luận logic.
Vì vậy, khi nào truyện trinh thám được nhiều người ưa thích trên thị trường văn học, lúc ấy, mới có nhiều nhà văn viết trinh thám được. Không phải ta viết trinh thám để bán sách, mà ta viết trên cái nền móng là ta thích nó trước hết.
Minh chứng cho lý giải của mình, nhà văn Di Li kể rằng: “Khi tôi post từng chương của Trại Hoa Đỏ lên blog, độc giả thường hứng thú với những chương nặng yếu tố kinh dị, kỳ ảo hơn, còn những chương nhiều yếu tố điều tra hình sự và suy luận thì họ không hưởng ứng bằng. Hơn nữa, thể loại trinh thám chỉ phát triển khi nền kinh tế đã đạt đến đỉnh cao. Và kinh tế càng phát triển thì những loại tội phạm tinh vi mới tăng theo. Vì vậy, quê hương của trinh thám là Anh, Mỹ, Pháp và Thụy Điển, sau này mới phát triển ở Nhật Bản”.
Đã từng có ý kiến cho rằng, trinh thám là văn học bình dân chứ không phải văn học hàn lâm, nhưng theo quan sát của Di Li, những người thường đọc trinh thám lại là giới trí thức, vì một câu chuyện trinh thám đọc thường không dễ hiểu và độc giả cần vận dụng đầu óc nhiều để mở chìa khóa tư duy. Chị nói: “Người đọc cũng phải suy luận logic y như họ là một thám tử thực thụ. Chưa kể có những nhà văn chuyên viết truyện trinh thám chính trị như Didier Daeninckx của Pháp thì cốt lõi của ông là vấn đề tư tưởng mà cần phải tinh ý mới nhận ra những tầng ý nghĩa.
Đọc sách đã như vậy, viết sách còn cần những yếu tố logic gấp rất nhiều lần thế. Phẩm chất lớn nhất mà nhà văn trinh thám cần có là trí tưởng tượng, vì nhà văn đâu có bao giờ đi điều tra hay… gây án mạng. Và khi đã tưởng tượng mạnh rồi, nhà văn lại phải tỉnh táo để không rơi vào những cái bẫy do mình tự bày ra”. Bởi để xây dựng một truyện trinh thám thành công, theo Di Li: “Khó nhất vẫn là đừng để bạn đọc đoán ra bất cứ điều gì cho đến trang cuối cùng, sau khi họ đã đọc nghiến ngấu vài trăm trang sách”.
2. Nhắc tới Di Li, tôi lại nhớ về “nữ hoàng trinh thám” cổ điển Agatha Christie, nhà văn Anh có sách trinh thám bán chạy nhất mọi thời đại. Tất nhiên một nhà văn trẻ không thể sánh được với một tượng đài nhưng sự xuất hiện của Di Li như luồng gió mát khơi dậy niềm hy vọng về một tác giả, một dòng văn học giả tưởng trinh thám Việt Nam tương lai. Đến nay, Di Li đã xuất bản những tác phẩm văn học trinh thám được chú ý như: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, Trại Hoa Đỏ, Chiếc gương đồng, Thác Babel trên đỉnh thác Ánh trăng,… Trong đó, tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ được xem như tác phẩm khai mở cho thể loại kết hợp trinh thám với kinh dị.
Bình luận về tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ, trên tờ Yomiuri Shimbun, nhật báo Nhật Bản có số lượng ấn bản in lớn nhất thế giới từng viết: “Với Trại Hoa Đỏ, người ta không thể biết ai là thủ phạm khi chưa lật đến trang cuối cùng”. Đó cũng là nét độc đáo về kết cấu trong hầu hết các truyện trinh thám kinh dị của Di Li.
Nhưng Di Li đâu chỉ có trinh thám. Chị còn khẳng định mình ở những thể loại khác. Mới đây, Di Li từ Hà Nội bay vào TPHCM để tổ chức cuộc ra mắt tập truyện Nhật ký mùa hạ viết về tuổi niên thiếu của chị, với những hồi ức đẹp và xúc động.
Chị tâm sự: “Trong đầu tôi luôn ăm ắp những ý tưởng thử nghiệm. Nhật ký mùa hạ là cuốn sách dành cho tuổi thiếu nhi và tuổi mới lớn nhưng người lớn đọc vẫn phù hợp vì họ sẽ thấy chính mình trong đó. Khi viết xong cuốn sách, tôi thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ: Vậy là hồi ức của mình sẽ vĩnh viễn không mất đi, vì lỡ đâu ở một tuổi lẩm cẩm nào đó, tôi quên hết sạch mất thì sao. Tôi vẫn song song viết nhiều thể loại, trong đó có cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ hai”.
Cái tên Di Li bước đầu đã gắn chặt với văn học trinh thám kinh dị. Hy vọng trí tưởng tượng phong phú của chị sẽ tiếp tục mang tới cho bạn đọc những tác phẩm mới ấn tượng hơn, góp phần phát triển dòng văn học giả tưởng Việt Nam.
PHAN PHÚ YÊN