Hiện nay, trong nước có 2 nhà máy lọc dầu là Dung Quất (thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR) và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện cần khoảng 7 triệu tấn dầu thô mỗi năm để ổn định sản xuất, nguồn cung trong nước chỉ chiếm 70% và 30% phải nhập khẩu dầu thô.
Tuy nhiên, nguồn dầu thô trong nước đang có xu hướng giảm, vì vậy nhu cầu nhập khẩu thời gian tới sẽ tăng lên. Đại diện BSR cho biết, đây là tín hiệu rất khả quan để tiếp cận nguồn dầu thô Azeri, loại dầu có trữ lượng lớn ở quốc gia Azerbaijan, chất lượng tương đương dầu Bạch Hổ và có thể chế biến với tỷ lệ phối trộn cao.
Trên thực tế, sau khi 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn vận hành thương mại, đã đưa Việt Nam từ một nước xuất khẩu toàn bộ dầu thô và nhập khẩu 100% sản phẩm xăng dầu, đến nay đã từng bước chủ động được một phần nguồn cung xăng dầu nội địa.
Nhu cầu dầu thô cao cho 2 nhà máy này khiến kim ngạch xuất nhập khẩu dầu thô bị đảo ngược. Lượng xuất khẩu dầu thô ngày càng giảm, trong khi nhu cầu nhập khẩu gia tăng. Năm 2018, Việt Nam lần đầu nhập siêu dầu thô. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 5,48 triệu tấn dầu thô, trị giá 2,6 tỷ USD.
Hiện hai nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu xăng dầu trong nước. Dự kiến, khi hai nhà máy này hoạt động đúng công suất, sẽ cung cấp 82% - 92% nhu cầu trong nước. Khi sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước, cả đơn vị phân phối sản phẩm và người tiêu dùng đều được lợi, giá có thể giảm.
Tuy nhiên, để thị trường xăng dầu ổn định, ngoài việc giảm thuế như trên, cũng cần bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước, nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước. Như vậy, sẽ tăng tính cạnh tranh, vì các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xăng dầu phải xây dựng giá bán thật sự cạnh tranh để nâng cao thị phần.