Cơ hội hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị

Chiều 31-7, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) phối hợp tổ chức tọa đàm “Kết luận 49 và Nghị quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị TPHCM”.
Thi công khung sắt chân cầu Nhơn Trạch tại nhánh Long Trường, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thi công khung sắt chân cầu Nhơn Trạch tại nhánh Long Trường, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

12 năm phải hoàn thành 200km

Tại buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Nguyễn Quốc Hiển cho biết, Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Kết luận 49) xác định quyết tâm “Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM vào năm 2035”.

Theo đó, trong 12 năm tới, TPHCM phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200km, chưa kể các tuyến sẽ được bổ sung vào đồ án quy hoạch chung sắp tới để phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, MAUR phối hợp HFIC, HIDS và một số sở, ban ngành của thành phố sẽ thành lập một tổ xây dựng đề án triển khai Kết luận 49 do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng. Đề án này sẽ được báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội nhằm đưa ra các đề xuất để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tiến độ thi công… Đây sẽ là cơ sở cho việc hoàn thành nhanh mục tiêu của Kết luận 49 đối với đường sắt đô thị thành phố.

Theo MAUR, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu trên, TPHCM khẩn trương đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị, thu hồi đất dự án song song với đất quy hoạch TOD (mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị), thực hiện bồi thường, thu hồi đất ngay khi dự án được phê duyệt quy hoạch; xây dựng tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị... Đặc biệt, chậm nhất đến năm 2028 phải thu xếp được nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD.

Qua thống kê cho thấy, từ lúc triển khai đến nay, mỗi năm chỉ xây dựng được khoảng 1km metro. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hệ thống metro, TPHCM cần khẩn trương huy động nguồn vốn, rà soát cập nhật lại quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; rút ngắn thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; tiêu chuẩn công nghệ, cung cấp vật tư thiết bị; đẩy nhanh công tác tổ chức thi công.

Nhà ga Bình Thái tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà ga Bình Thái tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mô hình TOD - vai trò then chốt

Về giải pháp, MAUR đề xuất cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thủ tục, phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; phân quyền phê duyệt các dự án đường sắt đô thị từ Trung ương về TPHCM; gom toàn bộ các tuyến còn lại thành 1 hoặc 2 dự án, tổ chức thi công theo chiều dọc. Tiếp đó, xây dựng tiêu chuẩn chung về công nghệ áp dụng cho hệ thống; xây dựng giải pháp quản lý dự án, cung cấp, mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị, tổ chức thi công phải hoàn toàn mới, khác biệt với cách làm như hiện nay.

Tại buổi tọa đàm, hầu hết ý kiến các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ công tác quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; tạo nguồn lực tài chính từ khai thác quỹ đất theo TOD, vay thương mại, trái phiếu; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; tiêu chuẩn, giải pháp công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Trường Đại học Việt Đức Vũ Anh Tuấn cho rằng, phát triển mô hình TOD với mục tiêu lấy định hướng phát triển hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò chủ lực làm cơ sở phát triển đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nghĩa là tận dụng tối đa đất và không gian tại các nhà ga metro đầu mối để phát triển đô thị nhằm phát huy giá trị của quỹ đất xung quanh các khu vực nhà ga. Mô hình TOD thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào quá trình phát triển đô thị ở những khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt đô thị, phù hợp bối cảnh hiện tại của thành phố. Việc triển khai xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD là giải pháp căn cơ để tạo ra nguồn lực tài chính vô cùng lớn thông qua việc khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đồng thời chỉnh trang toàn bộ cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại. Đặc biệt, Nghị quyết 98 đã mở ra cơ hội thành công cho TPHCM khi triển khai cách làm này.

* TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia: Đa dạng nguồn vốn đầu tư

Thực hiện Kết luận 49, đến năm 2035 hoàn thành hệ thống metro là quyết tâm chính trị rất cao. Với hàng loạt vấn đề nêu ra, MAUR cần khẩn trương phối hợp hoặc đặt hàng các đơn vị nghiên cứu xây dựng từng đề án chi tiết cụ thể. Đặc biệt, rà soát, cập nhật lại quy hoạch mạng lưới từng tuyến metro nhưng phải gắn với tiến độ thực hiện. Về công nghệ phải đồng bộ nhằm tránh được xung đột giữa các tuyến. Việc sử dụng vốn ODA lệ thuộc về công nghệ cũng như tiến độ xây dựng hiện nay là không ổn. Vì vậy, thành phố cần đa dạng các nguồn vốn nhằm chủ động việc xây dựng, mua công nghệ…

Tin cùng chuyên mục