(SGGP).- Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước xấp xỉ 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu hàng dệt may đạt 18,9 tỷ USD, tăng 16,9%, chỉ đứng sau nhóm hàng điện thoại và linh kiện (21,9 tỷ USD, tăng 9,8%). Hiện Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu về nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với 8,85 tỷ USD, kế đến là Nhật Bản 2,38 tỷ USD; Hàn Quốc 1,96 tỷ USD. Chỉ riêng 3 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.
Hàng dệt may Việt Nam đang có đà tăng trưởng và những bứt phá ngoạn mục nhờ những FTA đã và sắp ký kết. Thuế xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0%, là cơ hội lớn để thương hiệu dệt may Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua với nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới.
DIỆP THẢO
* Tồn kho thép tăng cao
(SGGP).- Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, lũy kế 11 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu thép các loại ước đạt 10,52 triệu tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ; nhập phôi thép đạt 380.000 tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lượng thép tiêu thụ 11 tháng đạt 4,73 triệu tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, tồn kho thép thành phẩm tiếp tục tăng cao, khoảng 378.500 tấn, tăng 2,9% so với tháng 10 và tăng 27% so với cùng kỳ. TheoVSA, nguyên nhân khiến lượng thép tồn kho lớn là do tình hình xây dựng vẫn chưa thật sự khởi sắc, trong khi đó lượng thép nhập khẩu thời gian qua tiếp tục tăng cao.
Theo số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, 11 tháng đầu năm ngành xi măng bán được gần 64,5 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2013. Con số này tương đương với kế hoạch cả năm 2014 đã đặt ra trước đó. Đáng chú ý, ngoài tiêu thụ tốt trong nước, ngành xi măng còn đẩy mạnh xuất khẩu rất hiệu quả. Tính đến thời điểm này, sản lượng xi măng của Việt Nam xuất khẩu đã đạt khoảng 19 triệu tấn (gồm cả xi măng và clinker). Con số xuất khẩu xi măng đã vượt kế hoạch khoảng 4 triệu tấn, đó là chưa tập hợp đầy đủ số liệu chốt hết tháng 12.
THẢO TIÊN