Có loại bỏ được nhóm lợi ích?

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã công khai nói về tình trạng nhóm lợi ích đang thao túng một số lĩnh vực của nền kinh tế, gây thiệt hại cho đất nước và làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân. Liệu chúng ta có thể loại bỏ được nhóm lợi ích?
Có loại bỏ được nhóm lợi ích?

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã công khai nói về tình trạng nhóm lợi ích đang thao túng một số lĩnh vực của nền kinh tế, gây thiệt hại cho đất nước và làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân. Liệu chúng ta có thể loại bỏ được nhóm lợi ích?

  • Sinh ra từ cơ chế

Cách nay hơn 3 năm, Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố Phó phòng Giao dịch Vietcombank thị xã Hồng Ngự Phạm Công Hải về hành vi nhận hối lộ. Cán bộ ngân hàng này đã lợi dụng gói kích cầu bù 4% lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay để được hưởng lợi hàng tỷ đồng. Cùng thời điểm, nhiều địa phương trong cả nước đã đưa ra các chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất để giúp người dân và DN vượt qua khó khăn.

Thế nhưng, ở nhiều nơi đã có tình trạng đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước đã không đến đúng địa chỉ, hoặc người dân và DN muốn được xếp vào danh sách hỗ trợ phải nằm trong “nhóm thân hữu” của các thế lực ở địa phương, ở một ngành, lĩnh vực nào đó. Từ đây, đã hình thành nên những nhóm lợi ích can thiệp trực tiếp vào các chính sách kinh tế để trục lợi cá nhân, cấu kết với nhau để thôn tính các ngân hàng, tham gia vào tiến trình tái cơ cấu một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Nguyễn Thanh Nhàn (phải, nguyên Phó phòng Marketing Agribank chi nhánh Bình Thạnh, TPHCM) bị bắt vì tham ô.

Nguyễn Thanh Nhàn (phải, nguyên Phó phòng Marketing Agribank chi nhánh Bình Thạnh, TPHCM) bị bắt vì tham ô.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, vào giữa năm 2012, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 6.000 tỷ đồng cho khoảng 26.000 trang trại và hộ cá thể. Song, trong nhiều tháng qua chỉ một số ít trang trại được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này. Tương tự, trong 9 tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước báo cáo dư nợ vay đối với sản xuất cá tra đạt trên 38.000 tỷ đồng, giúp cho 6.000 hộ nuôi và 250 DN với lãi suất ưu đãi. Khi thông tin trên được công bố, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam lên tiếng khẳng định không hề có con số này và đề nghị Bộ NN - PTNT tiến hành kiểm tra, xác minh.

Mới đây nhất là chủ trương giải cứu hàng tồn kho bất động sản, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu gần 40.000 tỷ đồng. Tại phiên điều trần của Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi: “Giải cứu thị trường hay bảo vệ lợi ích nhóm?”. Còn dư luận thì chưa có cơ sở chắc chắn để tin chủ trương trên có thể đến đúng được đối tượng thụ hưởng.

Chủ trương tái cơ cấu các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước cũng đang đối mặt với những thách thức về tính hiệu quả của nó. Cụ thể, một tổng công ty ngành bia-rượu-nước giải khát đang lập đề án tái cơ cấu với tỷ trọng vốn Nhà nước từ gần 90% giảm còn 51%. Hiện vốn điều lệ của DN này khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, nếu thực hiện theo đề án trên sẽ có gần 3.000 tỷ đồng từ vốn Nhà nước được chuyển ra ngoài. Câu hỏi được đặt ra là ai, nhóm lợi ích nào sẽ được lợi từ chủ trương tái cơ cấu này của Chính phủ?

  • Minh bạch chống lợi ích nhóm

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương, tham nhũng về quyền lực, tham nhũng chính trị, chính sách là tham nhũng nặng nề và nguy hiểm nhất, nó bộc lộ sự hư hỏng của con người, sự vẩn đục trong bộ máy. Lợi ích nhóm cũng sinh ra từ đây. Ông cho rằng: “Ở đâu không minh bạch, không thực hiện trách nhiệm giải trình, ở đó có mảnh đất thuận lợi cho tham nhũng nảy sinh, nó ngầm dung dưỡng, bảo kê cho tham nhũng hoành hành. “Xã hội đen”, “kinh tế ngầm”, “giao dịch ngầm”, “lợi ích nhóm” xuất hiện, tồn tại, phát triển là vì thế…”.

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Trần Thị Minh Châu, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, đưa ra sự biến thái của lợi ích nhóm bắt đầu từ nhóm thân hữu. Từ một nhóm DN nào đó, dưới sự bảo trợ của một quan chức nào đó có điều kiện thuận lợi hơn và có tốc độ tăng trưởng vượt trội, trong khi những DN khác nếu muốn có phần tham gia trong địa hạt của họ phải nhờ cậy DN thân tín với quan chức đó. Hiện các DN lớn đang có xu hướng dựa vào các mặt tích cực của nhóm lợi ích để thiết lập quyền lực của mình, nhất là các DN nhà nước.

Theo GS-TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, sức mạnh kinh tế một khi liên kết với quyền lực để hình thành lợi ích nhóm có thể dẫn đến tham nhũng trong chính trị, trong việc chi phối các chính sách. Để chống lợi ích nhóm, trước tiên phải minh bạch, công khai và có cơ chế giám sát hiệu quả từ khâu soạn thảo, ban hành chính sách đến thực thi.

Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cùng với nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) đưa ra, cũng cần có cơ chế và con người thích hợp, đó là việc trao “thượng phương bảo kiếm” vào đúng chỗ, đúng người để xử lý minh bạch và kiên quyết những con sâu mọt ăn bám và sách nhiễu trong hệ thống chính trị của Nhà nước pháp quyền XHCN.

Quan hệ nhóm chung lợi ích biểu hiện dưới hình thái quan hệ vụ lợi của người có chức, quyền với những doanh nghiệp (DN) thuộc đối tượng quản lý của họ. Thông thường, đây là quan hệ vụ lợi chủ động của người có chức, quyền với DN. Nhóm chung lợi ích này rất khó phát hiện, bởi vì rất nhiều DN không am hiểu thông tin về chính sách ưu đãi, xin cấp phép… Trong khi đó ưu đãi của Nhà nước bao giờ cũng đi cùng với các điều kiện, đôi khi rất nhiều điều kiện. Thủ tục quản lý nhà nước đối với DN đôi khi rất phiền hà khiến DN khó thích ứng nếu không có sự giúp đỡ của cơ quan nhà nước. Chính vì thế, giữa cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan xét duyệt ưu đãi, cụ thể là giữa các nhân viên tham mưu, tác nghiệp, thủ trưởng phê duyệt và chủ DN xuất hiện các cá nhân cung cấp dịch vụ thông tin, lập hồ sơ, chạy thủ tục…

PGS-TS VŨ VĂN PHÚC (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng Sản)

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục