Có một Di Linh tươi mới

Trong các ngày 23 và 24-2, Lớp Cao cấp lý luận chính trị (CCLLCT) K73.A10 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2 đã có chuyến đi thực tế, trải nghiệm và học tập những mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Di Linh, vùng đất còn nhiều tiềm năng và đang tràn đầy quyết tâm trong hành trình hướng đến tương lai.

Vùng đất của tiềm năng

Di Linh đón các học viên lớp CCLLCT K.73A10 bằng những làn gió mát và pha chút lành lạnh của vùng đất cao nguyên. Người Di Linh, quả đúng như lời giới thiệu của ông Vũ Quang Anh (Chánh văn phòng Huyện uỷ Di Linh), rất hiếu khách và đón những người bạn của mình bằng tất cả tình cảm thân thương và nhiệt tình nhất có thể.

Đoàn học viên Lớp CCLLCT K.73A10 trao tặng ảnh Bác Hồ cho lãnh đạo Huyện ủy Di Linh nhân chuyến học tập kinh nghiệm tại huyện
Đoàn học viên Lớp CCLLCT K.73A10 trao tặng ảnh Bác Hồ cho lãnh đạo Huyện ủy Di Linh nhân chuyến học tập kinh nghiệm tại huyện

“Di Linh vẫn đang trên đà phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng cả hệ thống chính trị và người dân Di Linh đều tin tưởng, với tiềm năng sẵn có và chưa được khai thác hết, huyện sẽ khởi sắc trong tương lai gần thôi”, ông Quang Anh bày tỏ.

Thật ra, với cơ cấu đến 18 xã và 1 thị trấn, là huyện trung tâm của tỉnh Lâm Đồng tại điểm giao của Quốc lộ 20 và 28, sở hữu diện tích đất 161.316ha và dân số 162.700 người, vùng đất từng vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1998) tiềm ẩn rất nhiều yếu tố để phát triển bền vững.

Tại buổi làm việc giữa Huyện ủy Di Linh và đoàn học viên lớp CCLLCT K.73A10 chiều ngày 23-2, ông Đinh Văn Tuấn (Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Di Linh) cho biết: “Đón các đồng chí đến làm việc và thực tế tại địa phương là một vinh hạnh của huyện, và hy vọng các đồng chí sẽ tìm hiểu thêm để biết về vùng đất và con người nơi đây. Với phương châm "Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội, tạo đột phá phát triển trên tất cả các lĩnh vực"; cùng với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao trong Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện và tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tập trung lãnh đạo địa phương thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 đã đề ra”.

Theo báo cáo từ các ban, ngành của huyện năm 2022, Di Linh có tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất tương đối cao (ngành công nghiệp chiếm 7%, ngành nông lâm thủy đạt 5,1%, ngành xây dựng là 10,7%, ngành dịch vụ là 10,6%).

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 là 647,2 tỷ đồng (đạt 146% dự toán); thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng; Giá trị sản xuất đạt 145 triệu đồng/ha, tỷ lệ cây trồng chủ động nước tưới đạt 67%; tỷ lệ độ che phủ rừng là 51,6%; tỷ lệ hộ nghèo 3,9%, trong đó 6,9% là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 42 thôn nông thôn mới kiểu mẫu…

Nỗ lực chuyển mình

Trong ngày 23-2, đoàn học viên Lớp CCLLCT K.73A10 đã có chuyến đi thăm và trao quà ủng hộ cho người dân thuộc diện chính sách, khó khăn ở xã Hòa Trung của huyện Di Linh.

Các học viên lớp K.73A10 trao tặng quà cho người dân diện chính sách của xã Hòa Trung (huyện Di Linh)

Các học viên lớp K.73A10 trao tặng quà cho người dân diện chính sách của xã Hòa Trung (huyện Di Linh)

Cô Vũ Thị Thu Trang (Trưởng đoàn học viên) bày tỏ: “Mặc dù những món quà của đoàn không lớn về giá trị vật chất, nhưng đây là cũng chính là tình cảm của các học viên Lớp CCLLCT K.73A10 nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn của người dân trong xã. Điều quan trọng là tất cả các học viên đều đã được đi, trải nghiệm và nhìn thấy những khó khăn trong cuộc sống của nhiều người dân, sẽ sống trách nhiệm và nghĩa tình hơn khi trở về đơn vị công tác”.

Trao đổi với ông K’Broi (Phó Bí thư thường trực huyện Di Linh), được biết huyện có tổng diện tích gieo trồng lên tới 60.520 ha, trong đó cây cà phê (cây chủ lực) diện tích 44.800 ha, sản lượng 143.500 tấn. Cây chè giữ ổn định diện tích 500 ha, sản lượng 6.200 tấn với các loại chè giống mới. Hồ tiêu có 690ha trồng xen trong vườn cà phê.

Những năm gần đây, huyện tập trung phát triển cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao như sầu riêng (4.380ha), bơ (3.150ha), mắc ca (1.840ha trồng xen)… Chăn nuôi tập trung phát triển theo hướng trang trại, đạt tiêu chuẩn VietGAP; nuôi trồng thủy sản diện tích 131ha, với 800 cơ sở nuôi trồng.

Ngoài ra, có 1 Chi nhánh Tổng Công ty thủy sản Việt Nam nuôi cá Tầm tại hồ Kala - Bảo Thuận với 244 lồng, tổng thể tích lồng là 32.760m3. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác năm 2022 đạt 1.205 tấn.

Toàn huyện hiện có 7 sản phẩm OCOP được công nhận, tập trung chủ yếu ở sản phẩm mắc ca và cà phê; xây dựng, hoàn thiện 5 dự án, phát triển 5 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện…

Để thực hiện hiệu quả việc thu hút đầu tư, UBND huyện Di Linh đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư tại địa phương, hoàn thành cẩm nang thu hút đầu tư của huyện; đồng thời đã ban hành Chương trình quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Di Linh giai đoạn 2021-2025; hiện nay trên địa bàn huyện có 57 dự án đầu tư ngoài ngân sách với số vốn đầu tư là 6.715 tỷ đồng.

Buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm giữa huyện ủy Di Linh và các học viên lớp K.73A10
Buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm giữa huyện ủy Di Linh và các học viên lớp K.73A10

Có thể thấy, huyện Di Linh đang nỗ lực chuyển mình, tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực chính: Nông nghiệp; công nghiệp; du lịch, dịch vụ và văn hóa - xã hội, để cùng với 2 thành phố và 9 huyện của tỉnh Lâm Đồng hình thành mối liên kết phát triển nhanh và bền vững.

Thêm vào đó, việc Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho huyện Di Linh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 là yếu tố quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ, tạo “đường băng” cho huyện Di Linh “cất cánh”, phát triển toàn diện.

Tin cùng chuyên mục