Đất nước và con người Việt Nam như thế nào trong con mắt, trái tim của bè bạn bốn phương? Đó là câu hỏi canh cánh trong lòng của những người Việt mỗi khi có dịp phiêu du nơi xứ bạn hay lúc bạn sang chơi xứ mình. Chúng ta có gì để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh con người, đất nước mình để sau mỗi chuyến thưởng ngoạn, khám phá, Việt Nam sẽ mãi là vùng đất lưu luyến, vấn vương trong lòng bè bạn.
Xu thế toàn cầu hóa cùng với sự phát triển diệu kỳ của khoa học kỹ thuật đã làm thế giới trở nên thật gần gũi và ngày càng xích lại gần nhau hơn. Mối hợp tác giao lưu quốc tế nở rộ trên mọi lĩnh vực cùng bước phát triển của du lịch đã đẩy mạnh nhu cầu tìm hiểu nền văn hóa của các quốc gia khác.
Trong “sân chơi” toàn cầu rộng mở ấy, với cái nhìn của người trong cuộc, hẳn ai cũng nhận thấy còn rất nhiều nhức nhối khiến du khách hay nhà đầu tư quốc tế còn ngần ngại, cân nhắc khi tới Việt Nam. Này nhé: giao thông đường phố quá tệ, ô nhiễm môi trường, nếp sống phản văn minh đô thị, nạn kẹt xe, ngập nước trong thành phố, rồi cả một bộ máy hành chính cồng kềnh, nhũng nhiễu…
Nhưng Việt Nam vẫn có những thế mạnh riêng. Chúng ta không chỉ giàu có những danh lam thắng cảnh hữu tình, những bãi biển thơ mộng và bình yên, những chùa chiền, nhà thờ, di tích lịch sử văn hóa; Việt Nam còn có những con người thân thiện, mến khách và có bề dày lịch sử, có nền văn hóa đầy sức mạnh mời gọi khách nước ngoài khám phá…
Để tạo sức hút với khách quốc tế, lâu nay chúng ta đã giới thiệu với bạn những nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, nét duyên riêng của dân tộc với đủ các đặc sản văn hóa tiêu biểu ở mỗi vùng miền: nhạc cung đình, nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, chầu văn, rối nước, tuồng, chèo, ca nhạc tài tử Nam bộ, nhạc lễ… Nghệ thuật truyền thống Việt Nam vẫn có sức quyến rũ, không ồn ào nhưng vẫn mãnh liệt, đã và đang có những cô gái tóc vàng, da trắng, cũng yếm thắm dải đào mê đắm với chèo, tuồng, chầu văn…
Lại có cả những lớp vẽ sơn mài mà học viên là phu nhân các vị đại sứ, các nhà ngoại giao, doanh nhân nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam. Không chỉ chiêm ngưỡng và mua tranh, họ muốn thưởng thức chiều sâu văn hóa của một dân tộc như những người đồng sáng tạo với cả nỗi nhọc nhằn, trăn trở.
Ở các thành phố lớn, đã có đủ thú vui ẩm thực cho du khách, từ món ăn đồng quê, dân dã cho đến cao lương mỹ vị, từ các món thuần Việt đến các món mang đủ quốc tịch, Nhật, Hoa, Hàn, Ý, Nga, Mỹ, Thái… rất đa dạng. Trong đó nghệ thuật ẩm thực Việt cũng được đánh giá cao bởi sự phong phú, đậm đà và thanh tao.
So với các nước láng giềng, các công trình kiến trúc của nước ta không đồ sộ, hoành tráng, dịch vụ du lịch đây đó cũng còn đơn sơ, thiếu tìm tòi sáng tạo để có sản phẩm du lịch độc đáo, chưa gắn kết với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với những show diễn cuốn hút, tầm vóc…
Vì thế, mới ngao du đến Việt Nam, đã không ít khách quốc tế hụt hẫng, văn hóa Việt Nam đơn sơ vậy sao?! Nhưng khi có dịp được gần gũi, tiếp xúc sâu hơn, bạn bè lại thấy thú vị vì những nét văn hóa ẩn sâu trong tâm hồn người Việt. Họ lại thấy mến yêu những con người thân thiện, giàu lòng nhân ái, siêng năng, nhạy bén và giàu khát vọng vươn lên. Nếp sống gia đình bền chặt, ấm áp; xóm giềng cởi mở, nghĩa tình cũng là nét độc đáo đáng yêu.
Người Việt cũng luôn nặng lòng với quê hương, xứ sở. Tình cảm thiêng liêng ấy cùng lòng tự hào dân tộc, khiến dù ở nơi đâu, dù cuộc sống có trầm luân, gian khó hay thành đạt vinh hoa, họ vẫn luôn hướng về và mong được cống hiến cho đất nước, đồng bào. Chính nét đẹp đó được bạn bè đánh giá cao.
Hơn nữa, sức hấp dẫn lạ kỳ của Việt Nam, nhiều lúc lại từ những trang sử hào hùng và bi thương của dân tộc. Điều đó lý giải vì sao địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh luôn tấp nập những đoàn du khách quốc tế.
Và sắp tới bệnh viện đa khoa mang tên Đặng Thùy Trâm cũng sẽ là điểm dừng chân trong một tour du lịch mới được thiết kế… Và trong cuộc sống sôi động hôm nay, trước các vận hội lớn, những người con đất Việt với vẻ đẹp tỏa sáng từ phẩm chất, cốt cách lại tiếp tục thực hiện khát vọng vươn tới.
Tham gia Diễn đàn văn hóa xin gửi về Báo SGGP, 438 Nguyễn Thị Minh Khai Q3 - hay email: ngulongsggp@yahoo.com.vn
BÙI ANH THƠ (Quận 1)