Có nên giảm giá điện vào giờ cao điểm?

Đề xuất giảm giá điện giờ cao điểm

Có những ý kiến khác nhau về 2 phương án đề xuất xử lý giá điện giờ cao điểm mà Bộ Công thương trình Chính phủ. Phía ủng hộ cho rằng đây là biện pháp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp (DN), quan điểm khác lại cho rằng sẽ khó cho việc khuyến khích DN tiết kiệm điện vào giờ cao điểm.

Đề xuất giảm giá điện giờ cao điểm

Theo phương án 1 được Bộ Công thương đưa ra, có thể điều chỉnh giá điện giờ cao điểm (từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30) cho các DN có quy mô sản xuất nhỏ, mua điện ở các cấp điện áp từ 35/22kV trở xuống, với mức giảm tối đa là 20%, thời gian áp dụng  1-8 tới cho đến khi có điều chỉnh giá điện tiếp theo.

Phương án 2 là giữ nguyên giờ cao điểm sáng và mức giá điện cho giờ cao điểm như hiện hành. Đây là giải pháp cần thiết để khuyến khích tiết kiệm điện, hạn chế nhu cầu điện vào giờ cao điểm sáng, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện, giảm thiểu cắt điện, giảm áp lực đầu tư vào những nguồn điện mới đắt tiền từ đó góp phần giảm căng thẳng do thiếu nguồn điện ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, hạn chế là phần nào gây ảnh hưởng, làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của không ít DN quy mô nhỏ và vừa, sản xuất 1 ca, nhất là trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Chính vì vậy, Bộ Công thương nghiêng về việc thực hiện như phương án 1.

Sẽ không khuyến khích tiết kiệm điện?

Tuy nhiên, việc thực hiện theo phương án 1 sẽ tạo ra những hạn chế nhất định. Cụ thể, phương án 1 được đưa ra trên cơ sở thống kê số DN có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm ở các mức: dưới 10%, từ 10% đến 20%, từ 20% đến 30% và trên 30%.

Kết quả khảo sát cho thấy, việc quy định giờ cao điểm sáng đã bước đầu có tác dụng, số DN có mức tăng tỷ lệ tiền điện giờ cao điểm nhỏ hơn 10% tăng lên trong khi số DN có mức tăng tỷ lệ tiền điện từ 10% trở lên giảm xuống.

Điều này một phần do các DN đã bắt đầu triển khai các biện pháp như tổ chức lại lao động, sắp xếp quy trình vận hành thiết bị và dây chuyền sản xuất nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng điện giờ cao điểm để giảm thiểu chi phí.

Bên cạnh đó, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng, nếu phương án 1 được thực hiện, sẽ gây khó cho việc khuyến khích DN tiết kiệm điện vào giờ cao điểm sáng hiện nay. Bởi, nếu được giảm, DN có thể cũng sẽ tăng sản xuất và gây ảnh hưởng đến nguồn cung điểm nhất là vào thời điểm nắng nóng. Và như vậy, chuyện cắt điện có thể sẽ diễn ra và ảnh hưởng nhiều nhất là khu vực dân cư.

Nếu Chính phủ thông qua phương án 1 thì DN sẽ sẵn sàng thực hiện dù EVN vẫn chưa có hướng dẫn gì để triển khai. Tuy nhiên, ông Đinh Quang Tri cũng cho rằng, điểm khó khăn có thể xảy ra là việc phân định đâu là DN thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi giá điện với DN khác và nếu không cẩn thận sẽ xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện.

Một chuyên gia ngành điện cho rằng, việc quy định giá điện giờ cao điểm vừa qua đã có tác dụng tốt khuyến khích DN tiết kiệm điện. Và nếu thực hiện theo phương án 1, DN không tiết kiệm điện vào giờ cao điểm sáng sẽ gây khó khăn cho ngành điện trong việc đảm bảo nguồn cung.

Điều này cũng đồng nghĩa ngược với việc khuyến khích sử dụng hiệu quả điện vốn đã thành chủ trương lớn trong việc tăng giá điện trong thời gian qua. Việc ưu đãi cho một số thành phần kinh tế cũng có thể lại làm cho DN không tích cực đẩy mạnh việc đầu tư, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí để nâng sức cạnh tranh.

Và, điều quan trọng nữa là việc thay đổi này sẽ làm cho cơ quan quản lý và thực hiện sẽ phải điều chỉnh lại biểu giá điện đã ban hành và tạo nên sự thiếu tính ổn định trong chính sách.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục