
Tiểu thuyết “Áo trắng” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng viết về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên miền Nam, nhân vật chính dựa theo nguyên mẫu có thực là chị Nguyễn Thị Châu. Chị Châu bị bắt năm 1961, dù phải trải qua mọi nhục hình tra tấn, chị vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.
Chị là tác giả bài thơ “Áo trắng” nổi tiếng khắc trên vách trại giam “Áo trắng em chưa vướng bụi đời. Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi. Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót. Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi…”.

Hình ảnh kiên cường của cô gái tên X., đập mạnh 10 ngón tay bị đóng đinh trước mặt quân thù trong truyện “Sống như anh” của tác giả Trần Đình Vân cũng chính là chị.
Nhà thơ Lê Anh Xuân đã xúc cảm từ những vần thơ mộc mạc, chân thành ấy và đã viết “Bài thơ áo trắng” tặng chị với những dòng chia sẻ chân tình: “…Em đã viết bài thơ “Áo trắng”. Giữa xà lim xiềng nặng đôi tay. Máu đã chảy thành dòng đỏ thắm. Áo này vẫn trắng mãi không phai”.
Câu chuyện về cô gái 20 tuổi đã hiến dâng tuổi xuân mình cho cách mạng với niềm tin mãnh liệt, với mối tình chung thủy sắt son, với những hoạt động sôi nổi trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh ở thập niên 60 đã trở thành quyển sách gối đầu giường của sinh viên Hàn Quốc trong phong trào đấu tranh chống chính phủ độc tài ở thập niên 80.
Cô Phượng bất khuất, trung trinh trong quyển sách, trong trí tưởng tượng của giới trẻ Hàn Quốc bây giờ đã gần đến tuổi cổ lai hy, nhưng vẫn giữ được nét trẻ trung, xinh đẹp. Người con gái ấy đã bước ra từ những trang văn cháy bỏng ngày trước và bồi hồi kể lại những lần được gặp Bác Hồ vào năm 1969, mà lần cuối cùng vào tháng 8, lúc Bác đã yếu nhiều:
- “Tôi ra tù năm 1964 và sau đó năm 1969 tôi được gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Vì được chú Tố Hữu cho biết đây là ý kiến của Bác muốn có một tác phẩm phản ánh cuộc đấu tranh của sinh viên học sinh miền Nam ở Sài Gòn, nên tôi đã bộc bạch hết, kể cả chuyện tình cảm riêng của mình.
Ngày 19-5-1969 tôi và Quyên (vợ anh Nguyễn Văn Trỗi) được gặp Bác và được dùng cơm với Bác. Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, chúng tôi xúc động đến nỗi chỉ biết chạy ào đến ôm chặt Bác, mà quên cả tặng hoa mừng thọ Bác, dù đã cầm hoa trên tay.
Bác hỏi thăm gia đình anh Trỗi, gia đình Quyên rồi xoay qua hỏi tôi: “Cháu có được tin tức gì của Lê Hồng Tư không?”. Tôi khóc òa... Chúng tôi được ăn cơm với Bác, bữa cơm khá đơn giản dù là ngày sinh nhật Bác, chỉ có món giò heo luộc chấm mắm tôm, rau sống, một tô canh súp và trứng luộc.
Trên mâm có mấy miếng dồi trường luộc là ngon nhất thì Bác đã gắp cho chúng tôi mỗi đứa một miếng. Bác chê tôi ốm quá, nên dặn dò: “Thích ăn cái gì cháu phải nói với nhà bếp, và phải cố ăn nhiều mới khỏe được… Châu xanh quá, chắc là bị chúng tra tấn nhiều lắm…”.
Được ngồi bên cạnh Bác, tôi nhớ lại như in những ngày tháng đọa đày trong nhà tù Lê Văn Duyệt, có lúc tưởng đâu không sống nổi, đầu óc tôi quay cuồng, đau đớn đến tê dại và ngất đi. Chính lúc ấy, tôi đã nhìn thấy Bác, Bác lòa sáng trước mặt và hiền từ nhìn tôi như động viên: “Ráng lên con, dũng cảm lên con”. Tôi tỉnh dậy trong sức mạnh thần kỳ của Bác truyền sang, và tôi đã ngồi thẳng người lên, dồn sức vào hai bàn tay đang bị chúng đóng đinh đẫm máu đập mạnh xuống sàn gạch… trước gương mặt hốt hoảng của chúng.
Lần thứ hai chúng tôi được gặp Bác vào ngày 5-6-1969. Bác lại một lần nữa dặn dò chúng tôi phải chăm lo sức khỏe và phải theo dõi sách báo, thời sự để trở về công tác không bị lạc hậu. Bác lại hỏi chuyện miền Nam và không cầm được nước mắt khi nghe tôi kể tấm lòng của người dân miền Nam đối với Bác; chuyện các chiến sĩ trước khi ra trận còn dặn lại đồng đội: Khi gặp Bác Hồ anh hãy hôn Bác giùm tôi…
Và chúng tôi lại được dùng cơm với Bác… Lần này Bác cũng đãi chúng tôi món dồi trường luộc và cà pháo chấm mắm tôm… và tráng miệng bằng dưa hấu ở Hải Dương. Bác bắt chúng tôi ăn gấp hai khẩu phần… Bác dặn tôi “khi nào nước nhà thống nhất, ngày đón Bác về Sài Gòn Châu phải nấu cơm cho Bác ăn để biết tài của con gái Biên Hòa”. Tôi mừng quá dạ rất to…
Lần thứ ba, Quyên và tôi được gặp Bác là ngày 12-7-1969 trước khi lên đường đi dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế. Nhưng khi gặp tôi, Bác nhìn tôi một lúc và bảo: “Chuyến đi này rất vất vả, Bác thấy Châu còn yếu và xanh quá, cháu phải dưỡng bệnh, nghỉ thật khỏe một thời gian rồi đi dự Hội nghị Thanh niên - Sinh viên thế giới thì hơn”.
Rồi Bác hỏi tôi: “Không được đi công tác cháu có buồn, có khóc không?”. Chúng tôi lại được ăn cơm với Bác lần thứ ba, lần này Bác cho chúng tôi ăn thêm phở Hà Nội. Bác lại hỏi tôi có lên được cân nào chưa. Rồi Bác dặn tôi phải đi nghỉ ở Hạ Long, dặn rất kỹ cách tắm biển, cách phơi nắng thế nào là tốt nhất, và phải ăn uống ra sao để phục hồi sức khỏe. Lời Bác như một người cha lo lắng chăm sóc cho con gái mình làm tôi xúc động lặng cả người.
Lần thứ tư tôi được gặp Bác là ngày 14-8-1969 sau khi đi nghỉ mát ở Hạ Long về và chuẩn bị đi dự Hội nghị Thanh niên - Sinh viên thế giới. Lúc ấy Bác đang bệnh và rất mệt. Bác ngồi trên chiếc ghế mây, mặc áo ấm, khăn quàng cổ, đầu đội mũ mà Bác vẫn ho sụt sùi, tay Bác nén ngang ngực cho bớt ho.
Tôi nóng ruột quá chạy tới ôm Bác khóc ròng. Bác nhìn tôi cười và hỏi: “Châu đi nghỉ về đã lên cân chưa?”. Rồi Bác kêu chú Kỳ mang cân ra bắt tôi cân, tôi được 34,8kg và chú Kỳ báo Châu lên được 2kg. Bác cười vui, còn tôi thì khóc nức nở. Bác lại dặn dò: “Cháu phải nhớ bồi dưỡng, ăn yaourt nếu chua quá thì thêm đường vào, phải ăn thêm thịt bò bít tết, ráng tập ăn phô mai, bơ… vì những thứ đó bổ và tăng sức”.
Bác thấy tôi vẫn khóc nên vò đầu tôi an ủi: “Không sao, Bác chỉ cảm mấy hôm, sẽ khỏi thôi. Khi nào cháu đi công tác về sẽ lại vào chơi ăn cơm với bác. Nhưng Bác lại ho nhiều và có vẻ mệt, bác sĩ đưa Bác về phòng nghỉ, còn tôi cứ đứng trông theo bóng Bác mà khóc ròng…”.
Bây giờ, 37 năm đã trôi qua, nhắc đến Bác Hồ chị vẫn còn xúc động rơi nước mắt. Làm sao ngờ được đó là lần được gặp Bác cuối cùng. Chị đi công tác và nhận được tin Bác mất trong nỗi chết lặng… Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc trong trái tim chị còn là hình ảnh người Cha nhân từ. Một con người quá lớn mà cũng quá đỗi bình dị thân thương với tất cả mọi người. Và hình ảnh ấy đã đi theo suốt đời trong trái tim chị, nhắc nhở chị phải sống sao cho xứng đáng với lòng tin yêu của Bác…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG