“Cơi nới” đô thị tiểu vùng Tây sông Hậu

Khi những chú ve bắt đầu cất tiếng đón mùa hè, cũng là lúc thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) được nhiều người biết đến hơn. Đó là nhờ cùng lúc nhiều báo đã đưa hình ảnh, video clip về con đường dài gần 6km đỏ rực hoa phượng, nối từ ngã ba Vĩnh Tường đến trung tâm thị xã. 

Hậu Giang sau hơn 15 năm thành lập tiếp tục làm nhiều người bất ngờ, từ những nông dân làm nông thông minh đến việc cần mẫn làm du lịch nông nghiệp và sự chuyển mình mở rộng đồng bộ không gian các đô thị vùng sông nước.

“Cơi nới” đô thị tiểu vùng Tây sông Hậu ảnh 1 Diện mạo đô thị của TP Vị Thanh bên dòng Xà No
Ấn tượng bên dòng Xà No

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, kể rằng thoạt đầu ông đã có chút đắn đo khi về Hậu Giang tìm cơ hội đầu tư. Thế nhưng, ông đã bất ngờ và chia sẻ: “Thật không uổng công về Hậu Giang. Tôi rất ấn tượng, cả về không gian đô thị của TP Vị Thanh nằm bên dòng Xà No lẫn cách tiếp cận của lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp. Tôi đã thấy và tin rằng có cơ hội đầu tư tại đây”.

Sau hơn 15 năm thành lập, hệ thống đô thị của Hậu Giang phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Năm 2004, trên địa bàn tỉnh có 9 đô thị, trong đó 8 đô thị loại V và một đô thị loại IV. Đến nay, tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh là 16 đô thị, gồm: một đô thị loại II (TP Vị Thanh), 2 đô thị loại III (TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ), 13 đô thị loại V, trong đó 11 đô thị là thị trấn và 2 đô thị không là thị trấn (Xà Phiên, Cái Sơn). Các đô thị phát triển khá đồng bộ, từ hình thái kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật. Các đô thị trung tâm đều phát triển nhanh, hài hòa, bền vững, đã từng bước đáp ứng và ngày càng hoàn thiện các chỉ tiêu đô thị trung tâm tỉnh lỵ và khu vực. 

Theo Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ có 19 đô thị (trong đó, một thành phố đô thị loại II, một thành phố và một thị xã đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 9 thị trấn là đô thị loại V). Để đạt được mục tiêu nêu trên thì cần nguồn lực rất lớn để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí từng loại đô thị. “Với mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, trên cơ sở định hướng phát triển đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp là một trong những yếu tố tác động tích cực, tạo thêm diện mạo mới cho đô thị, góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến với Hậu Giang để tiếp cận, nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết đề xuất các dự án nhà ở, khu đô thị. Trong thời gian qua, có 62 dự án đã được các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ xin lập quy hoạch thực hiện dự án nhà ở thương mại và phát triển đô thị. Hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương cho các nhà đầu tư nghiên cứu, tiếp cận lập quy hoạch chi tiết 62 dự án nhà ở, phát triển đô thị, làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các bước tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Tận dụng cơ hội ở vùng “đất lành”

Năm ngoái, việc Công ty CP Tập đoàn địa ốc Cát Tường triển khai dự án Khu đô thị mới Cát Tường Western Pearl, nằm ở vị trí đắc địa cặp kinh xáng Xà No, đã thổi một luồng gió mới vào không gian đô thị Vị Thanh. Không chỉ cư dân Vị Thanh, mà nhiều người dân ở Cần Thơ cũng tranh thủ tìm sinh kế ở đây. Thị trường bất động sản của Hậu Giang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trên địa bàn TP Vị Thanh với nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai thực hiện, như: Khu dân cư thương mại ở khu vực 2 và khu vực 3, Khu đô thị mới Cát Tường Western Pearl, Khu dân cư thương mại Vị Thanh...

“Cơi nới” đô thị tiểu vùng Tây sông Hậu ảnh 2 Đường về thị xã Long Mỹ rợp bóng phượng
“Hậu Giang đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm và năng lực về phát triển nhà ở, đô thị như Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, Công ty CP Đầu tư Amecc Hậu Giang... Tỉnh đã thống nhất chủ trương khai thác quỹ đất công thông qua hình thức bán đấu giá để thực hiện các dự án nhà ở, phát triển đô thị, nhằm tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp, sôi động”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin.

20 năm trước, Vị Thanh có duy nhất một tuyến đường đối ngoại đi Cần Thơ và Kiên Giang, còn lại là đường nhỏ chưa đầu tư; ít nhà kiên cố, nhiều nhà tạm, nhà ven kênh... Đến nay, hệ thống đường đô thị, các tuyến trung tâm được đầu tư như đường Võ Văn Kiệt, đại lộ Võ Nguyên Giáp, đường Trần Hưng Đạo... Đặc biệt, đường nối quốc lộ 61C đã phá thế độc đạo, rút ngắn được khoảng cách đi Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Bờ kè kinh xáng Xà No được đầu tư tạo không gian đẹp, xóa bỏ nhà tạm, diện mạo đô thị Vị Thanh giờ đổi khác rất nhiều, hạ tầng giao thông được kết nối giữa thành thị với nông thôn. 

Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã có những bước đi căn cơ, bài bản trong phát triển đô thị, để phát triển thành công mạng lưới đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “Có điều, thẳng thắn nhìn nhận, tuy số lượng đô thị đến nay đã cơ bản đảm bảo nhưng chất lượng, quy mô và tính liên kết của các đô thị còn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và chưa tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, chủ trương của lãnh đạo tỉnh thời gian qua là tận dụng tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên đất để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng, quy mô các đô thị. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hậu Giang và nhu cầu của thị trường bất động sản”,Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu nhận định.

Hậu Giang đang mở rộng không gian đô thị, không chỉ hàng chục nhà đầu tư mà nhiều người dân ở trong vùng cũng tìm cơ hội đầu tư, tạo sinh kế ở vùng “đất lành” Tây sông Hậu. “Chúng tôi rất vui khi Chủ tịch UBND tỉnh xem công việc của doanh nghiệp cũng là công việc của chính mình, các doanh nghiệp nhỏ và lớn đều được tiếp cận công bằng. Dưới góc độ kinh doanh, tôi không bỏ lỡ cơ hội đầu tư tại Hậu Giang”, ông Ngô Quang Phúc cho biết.

Trong phát triển đô thị, thứ nhất, phải lấy con người làm trung tâm, nhằm mục đích cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị con người, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm và chăm lo sức khỏe cho người dân.

Thứ hai, phát triển đô thị phải thật sự bền vững, thích ứng với tự nhiên, phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước; không phát triển ồ ạt vượt quá nhu cầu thực tiễn, gây ra lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới dư địa phát triển của các thế hệ mai sau. Cùng với đó, xây dựng và phát triển đô thị phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, các đô thị của tỉnh Hậu Giang phải mang đặc sắc của vùng ĐBSCL, gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đặc thù tự nhiên đất đai, sông nước, khí hậu và thói quen sinh hoạt của người dân. Mục tiêu là hướng đến xây dựng mô hình đô thị kiểu mới, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch và các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, tuần hoàn, bền vững

                                       Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang LÊ TIẾN CHÂU

Tin cùng chuyên mục