Con đường chông gai trước COP28

Các cơ quan trực thuộc công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu có trụ sở tại thành phố Bonn, miền Tây nước Đức, đã bắt đầu cuộc tham vấn thường niên để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28).

Cấp bách

Cuộc tham vấn kéo dài từ ngày 5 đến ngày 15-6, được coi là “cuộc đàm phán trung gian” hàng năm quan trọng để chuẩn bị cho COP28 (sẽ diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất từ ngày 30-11 đến ngày 12-12), dự kiến có sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia.

Nội dung thảo luận là thực thi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, những tiến bộ cũng như hạn chế trong cuộc chiến chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu. Chủ đề tài trợ cho các kế hoạch chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, cũng như bồi thường thiệt hại cho các nước chịu ảnh hưởng vì biến đổi khí hậu cũng sẽ được thảo luận tại cuộc tham vấn năm nay.

Băng tan ở Nam cực do biến đổi khí hậu dẫn đến ngập lụt và nhiễm mặn nhiều nơi trên thế giới

Băng tan ở Nam cực do biến đổi khí hậu dẫn đến ngập lụt và nhiễm mặn nhiều nơi trên thế giới

Phát biểu mở đầu cuộc tham vấn, Quốc vụ khanh kiêm đại diện đặc biệt về chính sách khí hậu quốc tế của Chính phủ Đức, bà Jennifer Morgan, nhấn mạnh, để chuẩn bị cho sự thành công của COP28, cuộc tham vấn này nhằm xây dựng một liên minh rộng lớn cho chính sách khí hậu toàn cầu đầy tham vọng, hướng tới đạt được các quyết định đột phá.

Bà Morgan trích dẫn báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hồi tháng 3 cho thấy, nỗ lực bảo vệ môi trường và chống lại biến đổi khí hậu của thế giới chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, cần hành động cấp bách nhằm điều chỉnh lộ trình để đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC.

Thiếu chương trình nghị sự

Một nhà đàm phán cấp cao cho biết, các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ tại Đức hiện chưa có chương trình nghị sự và vì vậy, mục tiêu cụ thể của hội nghị COP28 ở Dubai cũng chưa có.

Theo ông Nabeel Munir, Chủ tịch Cơ quan phụ trách thực hiện của LHQ, bất chấp nhiều tháng thảo luận kể từ COP27 trước đó ở Ai Cập, không có thỏa thuận nào về việc thông qua các chương trình nghị sự do các cơ quan trực thuộc thường trực của COP đề xuất cho hội nghị Bonn.

Ông Simon Stiell, thư ký điều hành của Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, nhìn nhận, thiếu một chương trình nghị sự ở Bonn sẽ ảnh hưởng đến COP28, trong khi COP28 có thể là hội nghị quan trọng nhất về biến đổi khí hậu kể từ khi thế giới cam kết cắt giảm khí thải vào năm 2015.

Tại COP27 ở Ai Cập, hơn 80 quốc gia đã kêu gọi giảm sử dụng tất cả nhiên liệu hóa thạch. Khi được hỏi liệu COP28 có tiếp tục đưa việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào chương trình nghị sự hay không, ông Stiell cho biết, việc giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050 đòi hỏi phải cắt giảm sâu hoặc loại bỏ tất cả nhiên liệu hóa thạch.

Theo ông, thế giới đang ở “điểm bùng phát” trong cuộc khủng hoảng khí hậu, đòi hỏi tất cả quốc gia phải gạt lợi ích quốc gia sang một bên để đấu tranh vì lợi ích chung, nhất là khi các chuyên gia gần đây cảnh báo nhiệt độ có khả năng vượt ngưỡng 1,5oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới.

Tin cùng chuyên mục