Con gái làng hoa

Con gái làng hoa

Là con gái sinh ra ở làng hoa truyền thống, nơi mà nghề hoa đã theo dân làng tôi mấy trăm năm, ngay từ nhỏ tôi đã được mẹ chỉ dạy các công việc làm vườn cũng như nhiều công việc lặt vặt khác. Lúc mới lên bảy, lên tám, mỗi lần tôi không chịu quét sân hay phụ giúp bà cơm nước là mẹ tôi lại la ầm lên: “Sao con lười nhác quá vậy, là con gái làng hoa lớn lên mà không chăm chỉ thì không được đâu…”.

Rồi mẹ tôi kể về những người con gái làng tôi do không chăm chỉ nên đã không lấy được chồng, hoặc lấy được chồng nhưng cuộc sống không mấy giàu sang và hạnh phúc. Tôi nghĩ mẹ chỉ nói vậy để dạy dỗ tôi, chứ làm gì có mấy ai chỉ vì lười mà lại không lấy được chồng(?!).

Vườn cúc. Ảnh: An Dung

Vườn cúc. Ảnh: An Dung

Vâng, chẳng phải riêng tôi mà mấy đứa bạn hàng xóm cũng luôn bị mẹ mắng mỏ vì không chịu làm việc. Cũng như mẹ tôi, chúng cũng luôn được bố mẹ hướng dẫn để bắt quen với nhiều công việc từ sớm.

Bọn trẻ chúng tôi thực sự thấy khó chịu khi ngoài thời gian cắp sách tới trường lại còn rất vất vả với cả núi công việc mà bố mẹ giao phó. Lúc thì đun nước mang ra đồng cho mẹ, khi thì giúp mẹ xách nước tưới hoa. Nhiều hôm phải phụ mẹ dậy cắt hoa từ lúc sáng sớm khi sương mai còn nặng hạt…

Đã có lần tôi còn bị đánh đòn khi mải chơi ô ăn quan mà không chịu nấu cơm,  những vết roi lằn trên lưng cả tuần mới hết. Mẹ là người dữ đòn nên dù có đau tôi cũng không dám khóc vì càng khóc bà càng đánh mạnh tay hơn. Biết vậy, tôi ngoan ngoãn chấp hành mà ít khi cãi lại lời mẹ.

Có lần tôi ngây thơ hỏi bà: “Bà ơi, tại sao mẹ cháu lại bảo rằng con gái làng hoa là phải chăm chỉ?!”. Bà tôi xoa đầu tôi rồi cười bảo: “Có thể cháu chưa hiểu mà cho rằng mẹ khắt khe với cháu, chứ quả đúng là hầu như tất cả những người con gái ở cái làng hoa này đều rất thạo việc, chăm chỉ, nhất là với nghề trồng hoa. Ngay từ nhỏ, bà đã biết giúp mẹ bà tưới hoa, vun cây, tỉa cành rồi mới độ 12 tuổi mà bà đã biết đi chợ bán hoa như người lớn. Mẹ cháu hay những người con gái khác cũng thế, đều phải vất vả từ nhỏ…”.

Khi lớn lên tôi mới dần thực sự hiểu rằng con gái làng hoa quê tôi vất vả thật. Công việc chăm bón tưới tắm cho hoa diễn ra suốt ngày. Đó là chưa kể nhiều đêm phải cắt hoa, tỉa hoa từ nửa đêm mới kịp phiên chợ. Chẳng thế mà người làng tôi đã nghĩ ra hai câu thơ để bày tỏ cảm thông và chia sẻ về sự vất vả của những người con gái của làng:

Em là con gái làng hoa
Ăn cơm nửa bữa, ngủ nhà nửa đêm

Năm 15, 16 tuổi tôi đã thực sự là một lao động chính trong gia đình cùng mẹ ngày nào cũng bươn chải nơi những vạt hoa, luống rau bên bãi bồi ven sông. Nhà trồng 4 sào hoa và 2 sào rau màu các loại nên tôi và mẹ có hôm phải ăn cơm nắm mang theo để tranh thủ công việc. Có những hôm, mới 3 giờ sáng mẹ đã đánh thức tôi dậy để đi tưới hoa khi sương sớm còn lạnh tái tê.

Nước hiếm nên tôi phải quẩy nước mãi tận ngoài sông Hồng, xa đến nửa cây số. Thấy tôi vất vả, mẹ hay động viên. Bà bảo: “Gắng lên con, nay mai có duyên, có phúc mà lấy được chồng ở phố thì đỡ khổ. Mà con cũng phải chăm chỉ học hành vì đó cũng là con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đời mẹ đã vất vả, nên con phải cố gắng…”.

Những lúc nghỉ ngơi nơi đầu ruộng hoa, nhìn mẹ thấy những nếp nhăn thời gian cứ ngày một hằn sâu tôi càng thương mẹ nhiều, bởi bố tôi đã mất trong một trận đánh Mỹ ở miền Nam, bỏ lại mẹ một mình gánh vác công việc gia đình, nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Anh em chúng tôi lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của mẹ.

Hy sinh vì con cái, mẹ đã không đi bước nữa để chăm bẵm cho chúng tôi đỡ khổ. Từ những luống hoa mẹ vun trồng chúng tôi mới lớn khôn như ngày hôm nay.

Tôi không theo nghề hoa của mẹ, nhưng nghề hoa đã theo mẹ tôi suốt cả cuộc đời và mỗi khi mùa xuân về tôi lại nhớ mẹ, nhớ cái ngày bà trở về với thiên cổ khi trời rây rây mưa bụi. Cứ lần nào nghĩ về mẹ như vậy, khóe mắt lại cay cay…

THU THỦY (Quảng Bá - Tây Hồ - Hà Nội)
(SGGP Thứ bảy)

Tin cùng chuyên mục