Con mình, con người

Trong bất cứ trường hợp nào, việc coi con mình là nhất, hay lấy “con nhà người ta” làm gương đều phản tác dụng nếu cha mẹ không khéo léo. Bản thân mỗi đứa trẻ là cá thể riêng biệt và chưa bao giờ muốn bị, hay được so sánh.

Muôn vàn kiểu so sánh

“Nó nghịch như giặc thế kia, có cho tiền tôi cũng không thể trông nổi. May mà cháu tôi ngoan lắm, lại biết nghe lời nên chăm sóc cứ nhẹ tênh, đâu phải mướt mồ hôi rượt theo cả buổi như thế”, tiếng một người phụ nữ lớn tuổi vang lên giữa đám đông gồm toàn các bà đang chăm cháu trong sân chơi của chung cư.

Nhân vật được nhắc đến là cậu nhóc gần 2 tuổi, hiếu động đến mức luôn chạy “như tên bắn” và không để chân tay yên bất cứ lúc nào. Chị Kim Anh (mẹ đứa trẻ, ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM) đã quá quen nên cũng chẳng để tâm. “Tôi luôn nghĩ mỗi đứa trẻ là một cá tính, không thể lấy chuẩn mực của đứa này áp đặt lên đứa kia. Tôi vẫn thấy con tôi ngoan, nghe lời và trong khả năng mình kiểm soát được. Con mình mình hiểu, cũng chẳng vì khen chê đó mà chạnh lòng”.

Câu chuyện về cậu con trai của chị Kim Anh cho thấy một thực tế hiển nhiên, việc bị, hay được so sánh diễn ra với một đứa trẻ từ khi lọt lòng cho đến tuổi trưởng thành và thậm chí đã lập gia đình. Khi còn bé, phổ biến nhất là những bình luận về chiều cao, cân nặng của đứa trẻ.

Lớn lên một chút, người ta thích khoe, hay so sánh thành tích học tập ở trường với những điểm số, giải thưởng, huy chương, học bổng... Khi ra trường đi làm, vị trí công việc, mức lương, tài sản… trở thành chủ đề được đem ra so sánh.

Tạo môi trường và không gian cho trẻ chơi, học thay vì đặt quá nhiều áp lực lên con

Tạo môi trường và không gian cho trẻ chơi, học thay vì đặt quá nhiều áp lực lên con

Thời gian gần đây, sau các kỳ thi vào lớp 10, THPT quốc gia, câu chuyện về “con nhà người ta” lại được dịp rộ lên. Không khó để bắt gặp những bình luận kiểu: “Cùng một thầy mà sao nó được điểm cao hơn”, “Nhìn con nhà người ta mà học tập kìa”, “Cũng cho ăn học như nhau, nhìn điểm số con mình mà ngượng”, “Nhà nghèo, tự học mà điểm số vậy, trong khi con mình được lo tận răng thì…”.

Ngay cả những dịp bình thường, chỉ cần một cá nhân có yếu tố nào nổi trội như xinh đẹp, tham gia các hoạt động xã hội tích cực… đều được gắn mác “con nhà người ta” như một câu cửa miệng. Và khi đó, không ít phụ huynh sẽ quay lại đánh giá, thậm chí chì chiết, gây áp lực ngược lên con mình.

Để con được là chính mình

Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A khi xuất hiện trong chương trình Trạng nguyên nhí, từng nhấn mạnh, đừng bao giờ lấy hình mẫu “con nhà người ta” để áp đặt lên con mình. Đây là điều rất không nên, thậm chí cấm kỵ. Đây cũng là điều chị Hương Lê (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) lường trước sau khi nhận kết quả con không đậu vào THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

“Tôi luôn nói, con đậu được cả nhà cùng vui, nhưng không ép con phải đậu bằng được. Nó không hẳn là bài học thất bại, nhưng tôi tin con mình có thêm nhiều trải nghiệm để ngày càng tự tin hơn”, chị chia sẻ.

Thực tế, việc so sánh “con nhà người ta” đa phần đều xuất phát từ việc cha mẹ kỳ vọng vào con cái quá nhiều nên khi không đạt kết quả như mong muốn, họ tỏ rõ sự thất vọng. Không ít bậc cha mẹ nghĩ nó là cách để con mình nhìn vào những tấm gương đó phấn đấu. Nhưng thực chất, thay vì là hành động động viên, tạo động lực, cuối cùng lại gây ra phản ứng ngược, tạo sự tự ti, mặc cảm và cả những hành động tức thì: nổi nóng, cãi lời cha mẹ, thậm chí bỏ nhà đi.

Ở một phương diện khác, nhiều bậc cha mẹ luôn cho con mình là nhất. Điều này vô hình trung tạo áp lực phải luôn hoàn hảo, không được phép sai sót, khiến đứa trẻ hoặc sinh tính tự kiêu, ích kỷ hoặc mệt mỏi để chạy theo thành tích, mục tiêu cha mẹ đặt ra.

Về bản chất, không bậc cha mẹ nào muốn con cái mình thua kém. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến việc lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp là cả nghệ thuật. Trong trường hợp này, có 2 yếu tố mang tính tiên quyết: cha mẹ có thực sự hiểu tính cách, năng lực của con mình ở đâu và cách mình đồng hành, hỗ trợ cùng con như thế nào. Mỗi đứa trẻ là một cá thể, có những khả năng, điểm khác biệt.

Thậm chí, không ít bậc cha mẹ khác cũng nhìn vào con mình và ngưỡng mộ vì con họ thiếu điều đó. Vậy nên không thể áp đặt thành công của đứa này lên đứa khác một cách máy móc. Càng không thể đòi hỏi chúng phải hoàn hảo mọi mặt. Thay vì chỉ nhìn vào những điểm yếu của con cái mà không tìm ra nguyên nhân, cổ vũ để con tiến bộ, việc động viên và khích lệ kịp thời là vô cùng quan trọng.

Mọi sự kỳ vọng của cha mẹ nên được bắt đầu từ việc khả năng của con, thay vì lấy tiêu chuẩn “con nhà người ta”. Áp lực có thể tạo ra kim cương. Nhưng áp lực cũng có thể khiến đứa trẻ thất bại trong chính mơ ước của cha mẹ.

Tin cùng chuyên mục