Công bằng cho tất cả doanh nghiệp: Vốn FDI “đổ bộ” vào Việt Nam

LTS: Trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh thì hầu hết doanh nghiệp nội chưa thể “cất cánh” như kỳ vọng. Hai mảng sáng, tối của hoạt động đầu tư tại Việt Nam rất cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Hệ thống Aeon Mall giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa FDI dễ dàng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hệ thống Aeon Mall giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa FDI dễ dàng đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chỉ tính từ tháng 6 đến nay, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần, đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư cũng như cơ hội thị trường tại Việt Nam rất tiềm năng. 

Đầu tư vào nhiều lĩnh vực

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Aeon mall, cho biết, tập đoàn này đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư theo hướng tăng hơn so với kế hoạch trước đây. Từ nay đến năm 2025, tập đoàn sẽ nâng số lượng chuỗi hệ thống bán lẻ lên 100 siêu thị, 16 trung tâm mua sắm và không giới hạn số lượng cửa hàng có diện tích sàn trên 500m2 trở lên.

Trước đó, một khảo sát được công bố vào đầu năm 2022 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ các DN dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới là 55,3%, tăng 8,5 điểm so với năm trước, đứng đầu ASEAN. 

 Hệ thống Aeon mall rộng lớn giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu  hàng hóa FDI dễ dàng cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng  Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở lĩnh vực khác, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, ông Jorge Rubio, Giám đốc phụ trách Bộ phận Tài chính xã hội toàn cầu của Tập đoàn Citi, đã đến Việt Nam để gặp gỡ một số công ty công nghệ và khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nhận định về tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam, đại diện tập đoàn này cho rằng, các giao dịch tiềm năng ở Việt Nam dự kiến sẽ đóng góp vào những cam kết tài chính xã hội của Tập đoàn Citi, bao gồm mục tiêu tài chính bền vững tới năm 2030 với giá trị 1.000 tỷ USD. Tập đoàn City cũng đã đặt ra mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cơ bản cho 15 triệu hộ gia đình, bao gồm 10 triệu phụ nữ, cho đến năm 2025 tại Việt Nam.

Khác với xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản, bà Suparporn Sookmark, Giám đốc Thương vụ Thái Lan tại TPHCM, cho biết, trong tháng 8-2022, Bộ Thương mại Thái Lan đã dẫn đầu đoàn gần 200 DN Thái Lan đến TPHCM để tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần cũng như quy mô sản xuất tại Việt Nam. Những lĩnh vực hoạt động mà DN Thái Lan đang nhắm tới là chế biến, chế tạo, ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến và lĩnh vực bán lẻ… Thái Lan hiện đang là nhà đầu tư lớn thứ 8 tại Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hai chiều của hai nước đã đạt 19 tỷ USD vào năm 2021 - mức kim ngạch hai chiều cao nhất từ trước đến nay, và dự kiến chạm mốc 25 tỷ USD vào cuối năm nay

Bà Nguyễn Vân Nga, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Công thương, nhận định, Việt Nam được đánh giá là nước có độ mở nền kinh tế hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Với 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước trên thế giới, Việt Nam mở ra cơ hội thị trường rộng lớn không chỉ trong nước mà còn cả xuất khẩu. Do vậy, việc dịch chuyển đầu tư nước ngoài ồ ạt sang Việt Nam không phải là chuyện mới, mà vốn đã được các chuyên gia kinh tế dự báo từ rất sớm. Ghi nhận mới nhất từ Bộ KH-ĐT cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua. 

Chọn lọc FDI

Trong bối cảnh DN nước ngoài đang ồ ạt đổ vào Việt Nam, TPHCM đã đưa ra chủ trương thu hút FDI một cách chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

Cụ thể, thành phố tập trung định hướng thu hút, ưu tiên các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong đó, ưu tiên các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường.

Song song đó, TPHCM cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và kinh tế số, nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển công nghiệp thời trang, chuyển từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động thiết kế, phát triển ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đã được giao dự án sử dụng đất thực hiện nghiêm các điều kiện về lộ trình triển khai dự án. Cùng với đó, thành phố sẽ có biện pháp xử lý, chế tài kiên quyết đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng theo cam kết, chậm tiến độ thực hiện dự án.

Ở tầm quốc gia, Chính phủ cũng đã có chủ trương chọn lọc hơn trong thu hút vốn FDI theo hướng ưu tiên các dự án có hàm lượng chất xám cao, công nghệ tiên tiến… Đây là quyết định đúng đắn, bởi Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài nhưng không phải bằng mọi giá.

Cả nước ghi nhận có 927 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,72 tỷ USD. Trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án mới đầu tư tại Việt Nam thì Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất (chiếm 23,1% tổng vốn đăng ký cấp mới); tiếp đến là Singapore, chiếm 21,3%; Trung Quốc chiếm 11,4%; Hàn Quốc chiếm 9,9%; Nhật Bản chiếm 9,3%...

Tin cùng chuyên mục