Chiều 22-1, UBND TPHCM công nhận quận 6 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn TP giai đoạn 2016-2020, trước thời hạn 3 năm.
Đầu năm 2017, quận 6 có 660 hộ nghèo với 3.541 nhân khẩu (chiếm tỷ lệ 1,13% tổng hộ dân trong quận) và 2.700 hộ cận nghèo. Trong năm 2017, Quỹ Xóa đói giảm nghèo quận 6 đã cho hơn 1.200 hộ vay với tổng dư nợ gần 35 tỷ đồng, giúp các hộ nghèo từng bước khắc phục khó khăn trong cuộc sống, có điều kiện cho con em được học hành, mua sắm phương tiện mưu sinh, từng bước nâng thu nhập, giảm nghèo. Quận đã trao gần 5.200 suất học bổng với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng; trong đó có hơn 3.600 sinh viên, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, giúp 100% con em hộ nghèo có học bổng. Cùng với đó, 116 em thuộc thành viên hộ nghèo, cận nghèo được học nghề.
Ông Trương Văn Lương, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Giảm nghèo bền vững TPHCM khẳng định, đến nay, toàn bộ 660 hộ nghèo của quận 6 đã vượt chuẩn nghèo TP giai đoạn 2016-2020.
Biểu dương kết quả giảm nghèo của quận 6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cũng ghi nhận quận đã có nhiều sáng kiến, biện pháp quan tâm chăm lo cho người nghèo và là một trong những địa phương liên tục đi đầu trong phong trào giảm nghèo của TP.
Trong năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu quận 6 tiếp tục làm tốt hơn công tác truyền thông, tuyên truyền khơi gợi ý thức tự lực vươn lên của người có hoàn cảnh khó khăn, không ỷ lại, chờ đợi vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Những gương điển hình cần được biểu dương, khen thưởng kịp thời nhằm lan tỏa trong cộng đồng dân cư và xã hội.
Dù không còn hộ nghèo theo chuẩn mới, song Phó Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý quận vẫn cần tiếp tục rà soát nắm chắc thực trạng nghèo, tâm tư, nguyện vọng của từng hộ cận nghèo để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng hoàn cảnh. Các hộ vượt chuẩn cận nghèo, quận phải tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ trong 12 tháng theo quy định của TP, đảm bảo các hộ thoát nghèo, cận nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng lưu ý mỗi cán bộ quận, phường phải đặt mình vào vị trí của người có hoàn cảnh khó khăn, lắng nghe ý kiến hợp tình, hợp lý của người dân để có cách giảm nghèo thiết thực.
“Không hành chính hóa trong cách làm, không áp đặt, rập khuôn. Phải dựa vào dân để chăm lo cho dân một cách thực chất”, đồng chí Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.