Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lê Hoài Trung, xác nhận Sở Nội vụ đã trình UBND TP ban hành dự thảo về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi là công chức) trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội (gọi tắt là quy tắc).
Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục, đầu tóc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Nam phải mặc quần tây, áo sơmi. Đối với nữ công chức thì mặc quần tây hoặc váy dài qua đầu gối, áo sơmi có tay hoặc comple hoặc bộ áo dài truyền thống.
Quy tắc còn quy định rõ: “Không được mặc quần jeans, áo thun”.
Theo ông Lê Hoài Trung, công chức (người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước), viên chức (người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp như giáo viên, bác sĩ…) từ cấp TP đến cấp phường trên địa bàn TP là những đối tượng thuộc sự điều chỉnh của bộ quy tắc này.
Trước đó, trong quá trình lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Sở Nội vụ đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Hầu hết các đơn vị được lấy ý kiến đều đồng tình với nội dung nêu trên.
Ngoài ra, quận 4 đồng tình với quy định “không được mặc quần jeans, áo thun” và đề nghị bổ sung “không mặc áo với màu vải có hoa văn sặc sỡ” khi làm việc. Quận 5 thì đề nghị quy định rõ: “Nữ không được mặc váy ngắn trên đầu gối”.
Riêng Sở Thông tin và Truyền thông thì đề nghị bỏ nội dung “không được mặc quần jeans, áo thun” vì quy chế đã quy định khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục, đầu tóc gọn gàng, lịch sự đi giày hoặc dép có quai hậu.
Tuy nhiên, Sở Nội vụ cho rằng quần jeans, áo thun cũng là trang phục lịch sự nhưng lại không phù hợp với môi trường công sở. Do đó, để nâng cao sự nghiêm túc, cần nhấn mạnh và nêu rõ ràng trong quy chế vấn đề này.
Trả lời Báo Sài Gòn Giải Phóng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung, khẳng định trước đây Sở Nội vụ đã tham mưu và UBND TP ban hành những điều công chức được làm và những điều công chức không được làm. Theo đó, công chức không được mang dép lê, mặc quần jeans, áo thun. Nam công chức mặc quần tây, áo sơ mi nhưng màu sắc quá sặc sỡ cũng không được. Tuy vậy, các quy định này chỉ là quy chuẩn mang tính chất nội bộ nhiều hơn.
Nói về nguyên nhân Sở Nội vụ đề xuất UBND TP ban hành bộ quy tắc ứng xử của công chức, ông Lê Hoài Trung cho rằng: “Công chức mà nhuộm tóc xanh, tóc vàng hoặc móc bông vô lổ mũi là không ổn. Vì vậy, hình thức của công chức (trang phục, giày dép, tóc tai…) cần phải hài hòa với văn hóa, thể hiện hình ảnh gương mẫu, chuẩn mực khi tiếp, giải quyết yêu cầu của người dân. Việc công chức ăn mặc chỉn chu, lịch sự còn thể hiện sự tôn trọng đối với người dân”.
Theo ông Lê Hoài Trung, trong dự thảo này, Sở Nội vụ cũng đề xuất có sự tham gia giám sát của người dân, mặt trận, đoàn thể cũng như các cơ quan báo chí và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc kiểm tra, giám sát công chức tuân thủ các quy tắc nêu trên.
“Bên cạnh các quy định về hình thức, Sở Nội vụ cũng đề xuất các quy định về một số nội dung như thái độ ứng xử, phát ngôn của công chức và lắng nghe, tận tụy phục vụ, giải thích cho người dân. Quy tắc yêu cầu công chức phải có tác phong làm việc nghiêm túc, thái độ lịch sự, tôn trọng người giao tiếp; không nhũng nhiễu, nạt nộ dân…”, ông Lê Hoài Trung chia sẽ thêm.
Đề xuất cấm công chức truy cập facebook, xem báo điện tử
Khi góp ý cho quy chế, Sở Tư pháp đề nghị Sở Nội vụ bổ sung các quy định về chuẩn mực ứng xử của công chức khi tham gia mạng xã hội. Sở Tư pháp cho rằng hiện nay các công chức, viên chức và người lao động tham gia vào các diễn đàn, mạng xã hội ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội, còn nhiều vấn đề cần được kiểm soát nên cần có quy định về chuẩn mực ứng xử của công chức nếu có tham nhu cầu tham gia mạng xã hội.
Tương tự, quận 5 còn đề nghị có quy định nghiêm cấm công chức đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử, xem báo mạng, báo điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân khác trong giờ làm việc.
Sở Nội vụ cho biết, TPHCM không khuyến khích cũng không cấm công chức tham gia mạng xã hội nên không cần phải quy định riêng về chuẩn mực ứng xử của công chức nếu có nhu cầu tham gia mạng xã hội.
Tuy vậy, trong dự thảo trình UBND TP, Sở Nội vụ đề xuất quy định: “… công chức không được đeo tai nghe, bật nhạc nghe nhạc chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không bị cập các trang mạng có nội dung liên quan không liên quan đến việc thực hiện công việc nhiệm vụ, công vụ”.