Công đoàn có thể tổ chức đình công, khởi kiện

Công đoàn có thể tổ chức đình công, khởi kiện

Doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc tập thể

Vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng trăm công nhân ở Công ty TNHH Regina Miracle International Vietnam tại Khu công nghiệp VSIP (Thủy Nguyên - Hải Phòng) phải nhập viện mới đây và hàng trăm vụ việc tương tự xảy ra trước đó khiến nhiều người dân, nhất là người lao động, hoang mang lo lắng. Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 30-12, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (ảnh) khẳng định tổ chức công đoàn sẽ khởi kiện các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng công nhân bị ngộ độc thực phẩm.

° Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng công nhân ngộ độc thực phẩm nhiều như hiện nay?

° Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG: Theo báo cáo của các cơ quan chức năng về lao động và an toàn thực phẩm thì chỉ tính trong 10 tháng năm 2015, cả nước đã xảy ra 150 vụ ngộ độc thực phẩm.

Trong đó, ngộ độc tại bếp ăn tập thể có 33 vụ, có những vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều công nhân lao động. Điều đáng quan tâm là trong đó có tới 70% vụ ngộ độc thực phẩm là do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, còn lại do bếp ăn tại chỗ. Những năm gần đây, ngộ độc tập thể cứ lặp đi lặp lại, báo động về việc coi thường chất lượng bữa ăn của công nhân lao động. Hiện nay đời sống của người lao động nói chung vẫn còn gặp khó khăn, vì vậy bên cạnh chăm lo nâng cao thu nhập cho người lao động, chúng ta cần phải đảm bảo quyền lợi lâu dài của mỗi công nhân lao động, trong đó có chăm lo về sức khỏe và đây cũng là một trong những nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

° Vậy tổ chức công đoàn sẽ làm gì để bảo vệ sức khỏe của người lao động?

° Ngay trưa 30-12, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bế mạc, chúng tôi đã ra một nghị quyết về chất lượng bữa ăn của người lao động, trong đó khẳng định sức khỏe của người lao động phải được đặt lên hàng đầu. Theo tinh thần của nghị quyết, tổ chức công đoàn đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu cả hệ thống công đoàn tiến hành thương thảo với người sử dụng lao động để đưa yêu cầu về bữa ăn trưa và bữa ăn giữa ca vào trong thỏa ước lao động tập thể; cố gắng đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng bữa ăn chất lượng, đủ calo để tái tạo được sức lao động cho người lao động và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho mỗi bữa ăn.

° Cụ thể tổ chức công đoàn sẽ yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo các bữa ăn như thế nào, thưa ông?

° Trong nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nêu rõ, yêu cầu chủ các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động nâng giá trị bữa ăn trưa, bữa ăn tăng ca cho người lao động lên mức tối thiểu là 15.000 đồng từ năm 2016. Đây chỉ là mức tối thiểu, còn cao chừng nào thì tốt chừng đó.

° Vậy nếu doanh nghiệp không đảm bảo các suất ăn ở mức này thì sao?

° Nếu dưới mức 15.000 đồng, tổ chức công đoàn sẽ tổ chức đình công và yêu cầu giám đốc doanh nghiệp, nhà máy phải đảm bảo được mức quy định. Đây là tuyên bố cương quyết của tổ chức công đoàn. Giám đốc nào cho công nhân ăn dưới mức này thì tổ chức công đoàn sẽ tổ chức đình công và yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phải đáp ứng được giá trị bữa ăn tối thiểu cho người lao động. Việc đình công phải tổ chức đàng hoàng, phải có bài bản và có quy trình từng bước làm đúng theo quy định của luật pháp.

° Bên cạnh giá trị bữa ăn thì làm cách nào để ngăn chặn các vụ ngộ độc tập thể khi doanh nghiệp không quan tâm tới sức khỏe của người lao động?

° Chúng tôi cho rằng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong bữa ăn của công nhân lao động là trách nhiệm của giám đốc các doanh nghiệp. Vì vậy, giám đốc các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng bữa ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm tại doanh nghiệp mình. Trong nghị quyết cũng nêu rõ, nếu doanh nghiệp nào mà không bảo đảm an toàn thực phẩm, để xảy ra ngộ độc tập thể thì tổ chức công đoàn sẽ kiện giám đốc doanh nghiệp đó. Lúc đó, doanh nghiệp không thể đổ thừa tại đơn vị A B C... cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Tổ chức công đoàn không thừa nhận những lý do này, mà chỉ biết rằng giám đốc doanh nghiệp hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm nào thì phải có trách nhiệm ràng buộc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của công nhân lao động.

° Khi doanh nghiệp để xảy ra vi phạm, quy trình khởi kiện sẽ như thế nào thưa ông?

° Mặc dù nghị quyết đã được thông qua và xác định rõ cương quyết của tổ chức công đoàn trong
việc bảo vệ sức khỏe của người lao động. Tuy nhiên, trước mắt sẽ phải khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn để hệ thống công đoàn cơ sở có thể triển khai sớm trong năm 2016. Hiện tại, về mặt luật pháp và cơ sở pháp lý thì chúng ta vẫn chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để đi kiện. Lý do vì trong hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn chưa có một câu chữ nào hay chỗ nào quy định về việc này. Bảo đảm bữa ăn giữa ca cho người lao động là do quyền của giám đốc doanh nghiệp thôi chứ luật pháp không quy định và bắt buộc.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng sẽ sớm kiến nghị Chính phủ và Quốc hội bổ sung các quy định có liên quan để công đoàn có khả năng bảo vệ được quyền lợi của người lao động. Nếu không thì tình trạng này cứ lặp đi lặp lại, doanh nghiệp có thể xem thường sức khỏe của người lao động, gây ảnh hưởng rất lớn. Trước mắt, nghị quyết sẽ được gửi cho tất cả giám đốc doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện chính sách này.

° Hiện có những doanh nghiệp nào thực hiện tốt các yêu cầu về chất lượng bữa ăn cho công nhân lao động?

° Hiện tại đã có khá nhiều doanh nghiệp làm rất tốt rồi, ví dụ như ngành dầu khí đã đảm bảo suất ăn cho công nhân trên giàn khoan với mức hơn 100.000 - 200.000 đồng/bữa. Hoặc ngành than và khoáng sản cũng đảm bảo cho các công nhân làm việc hầm lò có suất ăn tự chọn, trị giá 30.000 - 50.000 đồng/người tùy theo nhà máy. Nói chung các công ty lớn đều tổ chức được bữa ăn rất tốt. Nhưng đồng thời vẫn còn tồn tại một số nơi giám đốc doanh nghiệp tổ chức bữa ăn cho công nhân quá kém, không bảo đảm được chất lượng, không thể tái tạo được sức lao động cho người lao động.

° Xin cảm ơn ông!.

PHÚC HẬU thực hiện

Tin cùng chuyên mục