Cộng hòa Crimea - cuộc chiến mới ở châu Âu?

Cộng hòa Crimea - cuộc chiến mới ở châu Âu?

Ngày 28-2, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov đã triệu tập phiên họp khẩn cấp những người đứng đầu lực lượng an ninh và quốc phòng nước này để thảo luận những diễn biến tại Cộng hòa Crimea. Cùng ngày, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tổ chức một phiên họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này. Trước những diễn biến trên, giới quan sát nhận định bán đảo xinh đẹp nằm bên bờ Biển Đen có thể trở thành chiến trường giữa các lực lượng trung thành với Ukraine và Nga.

        Quân đội sẵn sàng

Đề nghị của Quốc hội Ukraine phù hợp với bản ghi nhớ năm 1994 mà Ukraine ký với Anh, Nga, Mỹ ở Budapest (Hungary), trong đó các cường quốc đã nhất trí đảm bảo an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, đổi lại Kiev phải từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân còn lại ở nước này sau khi Liên Xô sụp đổ. Quốc hội Ukraine cũng kêu gọi Mỹ và Anh ủng hộ bản ghi nhớ trên nhằm đảm bảo chủ quyền cho Kiev trong bối cảnh căng thẳng lan tới khu vực Crimea. Bên cạnh đó, Quốc hội Ukraine cũng hối thúc Nga ngừng mọi động thái có thể xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Trước đó, lực lượng an ninh của Ukraine cho biết họ đã giành lại quyền kiểm soát 2 sân bay trên bán đảo Crimea, gồm sân bay quân sự Belbek gần cảng Sevastopol - nơi có Hạm đội Biển Đen của Nga đồn trú và sân bay quốc tế Simferopol bị các tay súng mà giới chức ở Kiev cáo buộc có quan hệ với quân đội Nga chiếm giữ.

Tình hình hỗn loạn tại nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp. Sau khi bỏ phiếu giải tán chính quyền hiện tại của Crimea, cơ quan ủng hộ chính quyền lâm thời ở Kiev, các nghị sĩ thuộc cơ quan lập pháp Cộng hòa Crimea đã đồng thời thông qua việc tiến hành trưng cầu dân ý về mở rộng quy chế tự trị cũng như quyền tự quyết của nước cộng hòa, vốn có khoảng 60% số dân là người gốc Nga, vào ngày 25-5 tới.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, rất có khả năng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này sẽ trở thành một phong trào ủng hộ Crimea độc lập, để rồi sau đó ngả về Nga. Trong trường hợp, yêu sách đòi độc lập hoặc đòi sáp nhập vào Nga không được chính phủ mới thân phương Tây của Ukraine chấp nhận, rất có thể những hành động quân sự sẽ được cho là giải pháp tối ưu.

Khoảng 60% người dân ở Cộng hòa tự trị Crimea ủng hộ Nga.

Khoảng 60% người dân ở Cộng hòa tự trị Crimea ủng hộ Nga.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 28-2, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề gia đình thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, bà Yelena Mizulina cho rằng Nga cần thông qua một đạo luật điều chỉnh quá trình sáp nhập các vùng lãnh thổ nước ngoài. Theo bà Yelena Mizulina, nếu người dân của một vùng lãnh thổ bày tỏ “rõ ràng và dứt khoát” nguyện vọng muốn hợp nhất với Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý, thì điều đó không cần đến bất cứ một hiệp định riêng nào. Vấn đề trên được nêu lên một ngày sau khi Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tương lai của vùng lãnh thổ này. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 25-5 tới, trùng với ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn ở Ukraine.

Trước cuộc khủng hoảng đang lan rộng tại khu vực Crimea, cả quân đội Nga và lực lượng an ninh Ukraine đều được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Mátxcơva cũng khẳng định sẽ “kiên quyết bảo vệ quyền lợi của kiều dân Nga”. Cơ quan biên phòng Ukraine cho biết, ngày 28-2, hơn 10 máy bay lên thẳng quân sự của Nga đã bay vào không phận nước này trên bán đảo Crimea. Ngoài ra, các quân nhân Nga đã phong tỏa một đơn vị biên phòng của Ukraine ở thành phố cảng Sevastopol - nơi Nga bố trí một phần của Hạm đội Biển Đen. Mặc dù trước đó cùng ngày, Hạm đội Biển Đen của Nga đã phủ nhận tin đóng vai trò trong việc chiếm giữ một sân bay quân sự ở gần Sevastopol. Cùng ngày, một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi có giải pháp chính trị cho tình hình căng thẳng ở Crimea, đồng thời hối thúc các bên kiềm chế, tôn trọng tính toàn vẹn và thống nhất của Ukraine.

        Nga đặt điều kiện phối hợp giải quyết khủng hoảng

Ngày 28-2, Mỹ đã kêu gọi Nga tôn trọng chủ quyền của nước láng giềng, tránh hành động khiêu khích trong bối cảnh 90 máy bay, 120 trực thăng và hơn 800 xe tăng Nga cùng 150.000 binh sĩ và các phương tiện quân sự đang tham gia cuộc tập trận tại khu vực biên giới với Ukraine.

Trước lời kêu gọi của phương Tây, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng cùng làm việc với phương Tây để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, song cho biết lợi ích của toàn bộ nhân dân Ukraine cần phải được xem xét và mọi thỏa thuận đã đạt được cần phải được thực thi.

Mặc dù Mátxcơva khẳng định cuộc tập trận không liên quan đến những biến cố tại nước láng giềng và mục đích của việc diễn tập chỉ để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ, nhưng theo ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie Moscow, đây không chỉ đơn thuần là một động thái “diễu võ giương oai” mà là “một thông điệp” nhằm cảnh báo Kiev không nên áp đặt quản lý bán đảo Crimea bằng vũ lực.

Cùng ngày 28-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ tiếp tục thảo luận với Ukraine về các mối quan hệ kinh tế - thương mại, đồng thời tham vấn những đối tác quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Nhóm các nền kinh tế phát triển (G-8) về vấn đề viện trợ tài chính.

Ông Putin đã chỉ thị cho chính phủ xem xét đề nghị viện trợ nhân đạo của khu vực Crimea ở miền Nam Ukraine.

Tình trạng kinh tế suy sụp với gánh nặng nợ nước ngoài chồng chất đang là một trong những thách thức lớn của chính phủ tạm quyền ở Ukraine. Ngày 28-2, Ngân hàng Trung ương Ukraine thông báo sẽ hạn chế lượng tiền rút khỏi ngân hàng ở mức khoảng 1.000 EUR/ngày trong bối cảnh đồng nội tệ của nước này bị giảm giá xuống các mức thấp kỷ lục, gần 20%. Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên minh châu Âu (EU) Kostiantyn Yelisieiev cho biết nước này muốn ký thỏa thuận liên kết với EU tại hội nghị cấp cao của lãnh đạo các nước EU vào ngày 20 và 21-3 tới. Trả lời trang tin EurActiv, ông Yelisieiev nói: “Việc ký thỏa thuận liên kết sẽ tăng cường sức mạnh của Ukraine trước Nga, nước đang gia tăng sức ép lên chính quyền mới của Kiev”.

HẠNH XUÂN 

Tổng thống bị phế truất Yanukovych họp báo ở Nga

Ngày 28-2, Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych, khẳng định ông “không bị lật đổ” và sẽ “tiếp tục đấu tranh” vì tương lai của Ukraine.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở thành phố Rostov trên sông Đông, miền Nam nước Nga, ông Yanukovych tuyên bố đã “buộc phải rời khỏi” Ukraine sau khi nhận được những lời đe dọa đối với an ninh của cá nhân ông. Ông Yanukovych tuyên bố đã bị tiếm quyền bởi các lực lượng ủng hộ chủ nghĩa phát xít, đồng thời quy trách nhiệm cho phương Tây đã “nuông chiều” người biểu tình tìm cách lật đổ ông, gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo ông Yanukovych, tình trạng vô luật pháp và hỗn loạn diễn ra ngay sau khi ông ký kết một thỏa thuận do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian hôm 21-2 vừa qua với các lực lượng đối lập nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 3 tháng qua.

Ông Yanukovych cũng cho biết đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi đến nước láng giềng này, nhưng chưa gặp ông chủ Điện Kremlin. Ông Yanukovych đến được Nga “nhờ một sĩ quan trẻ yêu nước” và khẳng định sẽ chỉ trở về Ukraine khi an ninh cá nhân được đảm bảo. Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ không đề nghị Nga hỗ trợ quân sự nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng như sẽ không tham gia cuộc bầu cử tổng thống Ukraine trước thời hạn vào ngày 25-5 tới, cho rằng sự kiện này là bất hợp pháp. Ông Yanukovich khẳng định không ra lệnh cho cảnh sát bắn vào người biểu tình trước khi ông bị phế truất và trách nhiệm về tình trạng bạo lực đẫm máu ở thủ đô Kiev thuộc về người biểu tình. Ông cũng phủ nhận việc sở hữu các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Yanukovych trong gần 1 tuần qua, kể từ khi ông rời khỏi Kharkov cuối tuần trước sau cuộc chính biến tại Kiev. Thượng viện Nga cũng đã cho biết vẫn coi ông Yanukovych là Tổng thống hợp pháp của Ukraine, trong khi chính quyền lâm thời thân phương Tây tại Kiev đã ra lệnh bắt giữ đối với ông này. Buổi họp báo của ông Yanukovych được truyền trực tiếp trên kênh truyền hình RT của Nga.

Cùng ngày, Tổng công tố Ukraine cho biết Kiev sẽ yêu cầu Mátxcơva dẫn độ Tổng thống bị phế truất Yanukovych. Chính phủ Thụy Sĩ cũng công bố đóng băng tài sản 20 quan chức Ukraine, bao gồm cả ông Yanukovych và con trai của ông cùng với nhiều cựu bộ trưởng dưới thời chính phủ của ông Yanukovych. Ngoài ra, Chính phủ Thụy Sĩ cũng tiến hành điều tra cáo buộc rửa tiền đối với ông Yanukovych cùng con trai của ông là Olexandr Yanukovych. Cũng trong ngày 28-2, Bộ Ngoại giao Áo cho biết, Áo đã đóng băng tài sản của 18 người Ukraine bị tình nghi vi phạm nhân quyền và tham nhũng.

NHƯ QUỲNH - HẠNH XUÂN

>> Ukraine: Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych dự kiến họp báo ở Nga

>> Hỗ trợ tài chính cho Ukraine: Các bên đều ngần ngại

Tin cùng chuyên mục