Công nghiệp bán dẫn và cơ hội của TPHCM

Chưa bao giờ, vấn đề công nghiệp bán dẫn được nói nhiều ở Việt Nam như trong năm 2023 vừa qua. Từ cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhất là Mỹ, đến vấn đề hạ tầng và nguồn nhân lực, rồi cả chuyện cơ chế chính sách. Có thể muộn, nhưng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, với ngành công nghiệp quan trọng, nền tảng cho thời đại số và cuộc CMCN 4.0. Trong đó, TPHCM là điểm sáng của cơ hội lớn này…

Thị trường đặc biệt hấp dẫn

Cuối tháng 10-2023, Bộ Kế hoạch-Đầu tư khánh thành Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn NIC Hòa Lạc. Trung tâm này là sự hợp tác giữa các đối tác công nghệ lớn Mỹ như Synopsys, Đại học Arizona, Keysight và các đối tác trong nước; với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được hơn 50.000 kỹ sư về thiết kế vi mạch theo chuẩn quốc tế.

Trong chuyến công tác tại Mỹ cuối tháng 9-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc với một loạt công ty công nghệ, đào tạo về lĩnh vực bán dẫn nổi tiếng ở Mỹ, như Silvaco, Nvidia, Synopsys… nhằm xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Đây được xem là những bước đi trong việc hiện thực hóa một phần Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thổng Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu tháng 9-2023.

Tuyên bố chung nêu rõ: “Ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, 2 nhà lãnh đạo ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và 2 bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu…”.

intel2-1747.jpg
Nhà máy Intel đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, cho biết Việt Nam là thị trường đặc biệt hấp dẫn trong hợp tác, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Các doanh nghiệp Mỹ đã và sẽ tiếp tục tìm hiểu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực này với Việt Nam. Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu với sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Marvell… Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đã giao các bộ Kế hoạch-Đầu tư, Thông tin-Truyền thông… xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.

Thực tế, tại Việt Nam đã có sự tham gia của những tên tuổi hàng đầu thế giới về công nghiệp bán dẫn. Đó là Intel, 1 trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy tại Việt Nam với quy mô 1 tỷ USD. Nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel tại Khu công nghệ cao TPHCM, hiện chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Cùng với Intel, Samsung cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Hiện một số công ty của Hàn Quốc, Đức, Mỹ cũng đang tích cực triển khai đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam.

Cơ hội từ Nghị quyết 98 của TPHCM

Theo Nghị quyết 98/2023 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, lĩnh vực công nghệ chip được TPHCM xác định là ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, để phát triển thành trung tâm ngành công nghệ bán dẫn của Việt Nam, hướng đến toàn cầu.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng sự có mặt của các nhà thiết kế hàng đầu như Marvell, Synopsys, Renesas, có thể giúp nhân lực của TPHCM phát triển ở tầm cao hơn. Do đó, TPHCM cần tăng cường phối hợp với các công ty này để nâng tầm chất lượng nhân sự cho lĩnh vực nghiên cứu thiết kế chip, tạo tiền đề tốt cho chương trình sản xuất chip bán dẫn của TPHCM. Đồng thời, thông qua các đối tác, TPHCM có thể tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ cao và kêu gọi nguồn vốn FDI trong lĩnh vực này.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM), cho biết hiện nay VNUHCM đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, VNUHCM đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới. Theo đó, các trường đại học thành viên VNUHCM triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. VNUHCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.

Tin cùng chuyên mục