Thản nhiên lùa rác vào miệng cống
Cống rãnh hai bên đường có chức năng thoát nước, thế nhưng trên đường phố ở TPHCM, nhiều miệng cống đã bị nghẽn vì rác. Mới đây, hình ảnh đống chai nhựa lớn được vớt lên từ cống thoát nước trên đường Võ Văn Tần (quận 3) đã khiến không ít người ngạc nhiên và bức xúc. Công nhân thoát nước đô thị phải xuống cống vớt rác đặc nghẹt trong nước cống. Hầu hết người dân đều tỏ ra bức xúc khi gặp tình trạng bị ngập nước do cống nghẹt, thế nhưng, nếu quan sát trên đường phố sẽ thấy nhiều người vẫn rất thản nhiên lùa rác vào miệng cống.
Chỉ cần đi một vòng các tuyến đường tại TPHCM, từ các quận trung tâm đến các quận vùng ven, sẽ thấy nhiều miệng cống thoát nước bị ngập chai lọ, ly nhựa, túi ni lông, hộp xốp của người đi đường quăng xuống, hoặc phế phẩm ở các điểm kinh doanh tự phát, rác sinh hoạt của các gia đình gần đó đổ ra. Tại đường Tùng Thiện Vương (quận 8), một phụ nữ quét vội mớ rác trước cửa nhà rồi tấp thẳng vào miệng cống thoát nước ngay đó. Chúng tôi góp ý thì người này phân trần: “Quét vô đây để tối công nhân vệ sinh họ dọn, chứ để chỏng chơ dưới lòng đường, gió thổi túi ni lông bay khắp nơi còn dơ hơn”. Có lẽ hố ga này đã lâu rồi chưa được nạo vét, bởi miệng cống bị rác bít kín. Ở đường D2 (quận Bình Thạnh), một số cơ sở gia công quần áo còn mang cả vải vụn ra chất ngay miệng cống, thi thoảng có cơn gió, những miếng vải bay tứ tung, cuốn vào các miệng cống thoát nước gần đó.
Nói về việc hàng loạt miệng cống thoát nước trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) bị ngập rác, một công nhân vệ sinh than thở: “Tôi mới dọn tuyến đường này hồi khuya, vậy mà sáng ra đã đầy rác như chưa dọn. Nhiều người cho rằng miệng cống thoát nước là nơi chứa rác nên cứ vô tư quăng xuống đó, mà không nghĩ đến hậu quả khi rác không phân hủy sẽ ngăn dòng chảy, khiến đường sá bị ngập. Thi thoảng bắt gặp người ta bỏ rác, tôi nhắc thì họ còn bảo rằng nhờ vậy mới có việc cho công nhân vệ sinh làm”.
Dọc hai bên đường Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú (quận 9) đều có cống thoát nước, nhưng nhiều năm qua nơi đây vẫn luôn bị ngập nước kéo dài mỗi khi có mưa lớn. Ông Phạm Duy Hải (ngụ đường Dương Đình Hội) phản ánh: “Từ khi khu này mọc lên hàng loạt dự án xây dựng, lượng xe lưu thông qua rất lớn, trong đó có nhiều xe chở đất cát vào các công trình làm vương vãi cát đá xuống đường. Trong khi đó, tuyến đường này hầu như không được quét dọn nên cát tràn vào bít luôn miệng cống thoát nước, hễ mưa là đường ngập”. Tương tự, hàng loạt miệng cống trên đường Nguyễn Hoàng (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… cũng bị cát đá bít kín. Rất nhiều miệng cống tuy không có rác nhưng lại bị người dân sống gần đó bít lại để ngăn mùi. Việc này cũng làm giảm chức năng thoát nước của cống.
Kênh rạch cạn dòng
Rạch Hai Heo (ở hẻm 117 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) nối với kênh Văn Thánh, đang bị rác ken kín. Rác thải nhựa, thùng xốp, ghế sofa, bàn gỗ hư đều nằm dưới lòng rạch, làm thu hẹp dòng chảy. Chị Cao Quỳnh Trang (ngụ gần rạch Hai Heo) bức xúc: “Ý thức của một số người dân ở đây rất kém, họ thản nhiên vứt rác xuống rạch, mặc cho ô nhiễm. Mỗi khi trời mưa, nước đen kéo theo rác rến lại tràn vào nhà dân, lúc đó thì họ lại than trời than đất là dơ dáy. Thấy vậy, bức xúc quá, tôi nhắc họ đừng xả rác xuống rạch, thì lại bị cho là lo chuyện bao đồng”.
Ở khu vực quận Bình Thạnh có nhiều kênh rạch khác cũng dần bị bỏ quên việc khơi thông dòng chảy. Như rạch Cầu Sơn bắt nguồn từ quốc lộ 13 đổ ra sông Sài Gòn đang bị bồi lắng nặng nề, lòng rạch toàn sình, rác và cỏ dại. Cư dân ở đây cho biết, với mặt sình rất gần họng xả nước trên mặt đường như hiện nay, mỗi khi mưa lớn, nước từ kênh dội ngược lại đường là chuyện bình thường. Ngay tại cầu Chu Văn An (giáp Học viện Cán bộ TPHCM) là bãi rác lớn, với rác sinh hoạt, ghế, nệm, mền, gối… tràn từ vỉa hè xuống lòng kênh. Rạch Cầu Bông (đường Điện Biên Phủ) và rạch Long Vân Tự (phường 24) cũng ngập rác do các hộ dân sinh sống tại nhà tạm trên kênh rạch xả xuống. Những rạch này nhiều năm nay chưa được cải tạo nên lòng rạch bị bồi lắng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm giảm chức năng giúp thoát nước vào mùa mưa. Tương tự, đường An Dương Vương (thuộc địa bàn quận 6 và 8) cũng là rốn ngập nhiều năm liền, nhưng kênh Rạch Nhảy (từ cầu Mỹ Thuận đến đường Lý Chiêu Hoàng) lại đang bị rác, lục bình, cây cỏ bao phủ lòng kênh. Mỗi ngày, dòng kênh phải hứng chịu một lượng rác lớn từ các hộ dân sinh sống lấn chiếm kênh rạch, các tiểu thương buôn bán tại chợ tự phát gần đó vứt xuống.
Thiết nghĩ, song song với các phương án chống ngập hiện đại, TPHCM cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc khơi thông kênh rạch trong các khu dân cư, tạo dòng chảy, để góp phần cải thiện tình trạng ngập nước trên các tuyến đường hiện nay.
Cống rãnh hai bên đường có chức năng thoát nước, thế nhưng trên đường phố ở TPHCM, nhiều miệng cống đã bị nghẽn vì rác. Mới đây, hình ảnh đống chai nhựa lớn được vớt lên từ cống thoát nước trên đường Võ Văn Tần (quận 3) đã khiến không ít người ngạc nhiên và bức xúc. Công nhân thoát nước đô thị phải xuống cống vớt rác đặc nghẹt trong nước cống. Hầu hết người dân đều tỏ ra bức xúc khi gặp tình trạng bị ngập nước do cống nghẹt, thế nhưng, nếu quan sát trên đường phố sẽ thấy nhiều người vẫn rất thản nhiên lùa rác vào miệng cống.
Chỉ cần đi một vòng các tuyến đường tại TPHCM, từ các quận trung tâm đến các quận vùng ven, sẽ thấy nhiều miệng cống thoát nước bị ngập chai lọ, ly nhựa, túi ni lông, hộp xốp của người đi đường quăng xuống, hoặc phế phẩm ở các điểm kinh doanh tự phát, rác sinh hoạt của các gia đình gần đó đổ ra. Tại đường Tùng Thiện Vương (quận 8), một phụ nữ quét vội mớ rác trước cửa nhà rồi tấp thẳng vào miệng cống thoát nước ngay đó. Chúng tôi góp ý thì người này phân trần: “Quét vô đây để tối công nhân vệ sinh họ dọn, chứ để chỏng chơ dưới lòng đường, gió thổi túi ni lông bay khắp nơi còn dơ hơn”. Có lẽ hố ga này đã lâu rồi chưa được nạo vét, bởi miệng cống bị rác bít kín. Ở đường D2 (quận Bình Thạnh), một số cơ sở gia công quần áo còn mang cả vải vụn ra chất ngay miệng cống, thi thoảng có cơn gió, những miếng vải bay tứ tung, cuốn vào các miệng cống thoát nước gần đó.
Nói về việc hàng loạt miệng cống thoát nước trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) bị ngập rác, một công nhân vệ sinh than thở: “Tôi mới dọn tuyến đường này hồi khuya, vậy mà sáng ra đã đầy rác như chưa dọn. Nhiều người cho rằng miệng cống thoát nước là nơi chứa rác nên cứ vô tư quăng xuống đó, mà không nghĩ đến hậu quả khi rác không phân hủy sẽ ngăn dòng chảy, khiến đường sá bị ngập. Thi thoảng bắt gặp người ta bỏ rác, tôi nhắc thì họ còn bảo rằng nhờ vậy mới có việc cho công nhân vệ sinh làm”.
Dọc hai bên đường Dương Đình Hội, Tăng Nhơn Phú (quận 9) đều có cống thoát nước, nhưng nhiều năm qua nơi đây vẫn luôn bị ngập nước kéo dài mỗi khi có mưa lớn. Ông Phạm Duy Hải (ngụ đường Dương Đình Hội) phản ánh: “Từ khi khu này mọc lên hàng loạt dự án xây dựng, lượng xe lưu thông qua rất lớn, trong đó có nhiều xe chở đất cát vào các công trình làm vương vãi cát đá xuống đường. Trong khi đó, tuyến đường này hầu như không được quét dọn nên cát tràn vào bít luôn miệng cống thoát nước, hễ mưa là đường ngập”. Tương tự, hàng loạt miệng cống trên đường Nguyễn Hoàng (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… cũng bị cát đá bít kín. Rất nhiều miệng cống tuy không có rác nhưng lại bị người dân sống gần đó bít lại để ngăn mùi. Việc này cũng làm giảm chức năng thoát nước của cống.
Kênh rạch cạn dòng
Rạch Hai Heo (ở hẻm 117 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) nối với kênh Văn Thánh, đang bị rác ken kín. Rác thải nhựa, thùng xốp, ghế sofa, bàn gỗ hư đều nằm dưới lòng rạch, làm thu hẹp dòng chảy. Chị Cao Quỳnh Trang (ngụ gần rạch Hai Heo) bức xúc: “Ý thức của một số người dân ở đây rất kém, họ thản nhiên vứt rác xuống rạch, mặc cho ô nhiễm. Mỗi khi trời mưa, nước đen kéo theo rác rến lại tràn vào nhà dân, lúc đó thì họ lại than trời than đất là dơ dáy. Thấy vậy, bức xúc quá, tôi nhắc họ đừng xả rác xuống rạch, thì lại bị cho là lo chuyện bao đồng”.
Ở khu vực quận Bình Thạnh có nhiều kênh rạch khác cũng dần bị bỏ quên việc khơi thông dòng chảy. Như rạch Cầu Sơn bắt nguồn từ quốc lộ 13 đổ ra sông Sài Gòn đang bị bồi lắng nặng nề, lòng rạch toàn sình, rác và cỏ dại. Cư dân ở đây cho biết, với mặt sình rất gần họng xả nước trên mặt đường như hiện nay, mỗi khi mưa lớn, nước từ kênh dội ngược lại đường là chuyện bình thường. Ngay tại cầu Chu Văn An (giáp Học viện Cán bộ TPHCM) là bãi rác lớn, với rác sinh hoạt, ghế, nệm, mền, gối… tràn từ vỉa hè xuống lòng kênh. Rạch Cầu Bông (đường Điện Biên Phủ) và rạch Long Vân Tự (phường 24) cũng ngập rác do các hộ dân sinh sống tại nhà tạm trên kênh rạch xả xuống. Những rạch này nhiều năm nay chưa được cải tạo nên lòng rạch bị bồi lắng, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm giảm chức năng giúp thoát nước vào mùa mưa. Tương tự, đường An Dương Vương (thuộc địa bàn quận 6 và 8) cũng là rốn ngập nhiều năm liền, nhưng kênh Rạch Nhảy (từ cầu Mỹ Thuận đến đường Lý Chiêu Hoàng) lại đang bị rác, lục bình, cây cỏ bao phủ lòng kênh. Mỗi ngày, dòng kênh phải hứng chịu một lượng rác lớn từ các hộ dân sinh sống lấn chiếm kênh rạch, các tiểu thương buôn bán tại chợ tự phát gần đó vứt xuống.
Thiết nghĩ, song song với các phương án chống ngập hiện đại, TPHCM cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc khơi thông kênh rạch trong các khu dân cư, tạo dòng chảy, để góp phần cải thiện tình trạng ngập nước trên các tuyến đường hiện nay.