Liên quan công tác giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhằm khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này, chiều 25-4, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo các chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện giao ranh, cắm mốc theo quy định trước khi triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Không bố trí vốn cho cấu phần xây lắp chưa đảm bảo tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Ảnh: QUỐC HÙNG |
Theo đó, khi lập dự án, Ban Bồi thường phối hợp UBND các địa phương (nơi có đất thu hồi) khái toán sát với thực tế, đúng và đầy đủ tổng mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án; ký hợp đồng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay sau khi dự án được phê duyệt để Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng sớm triển khai nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án. Phối hợp, đăng ký vốn với Sở KH-ĐT TP hạn chế tối đa việc cắt, giảm, tăng vốn bồi thường được giao.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động rà soát nhu cầu tái định cư các dự án từ nay đến năm 2030, dự kiến bao nhiêu trường hợp tái định cư bằng nền đất, căn hộ để báo cáo đề xuất UBND TP đảm bảo đủ nhu cầu tái định cư của người dân trong từng dự án.
Các địa phương có nhu cầu tái định cư lớn chủ động rà soát quỹ đất công trên địa bàn để lập dự án tái định cư phục vụ nhu cầu tái định cư của người dân trên địa bàn hoặc xây dựng các dự án tái định cư tại chỗ trong từng dự án. Trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND TP để kịp thời tháo gỡ.
Trong năm 2023, các địa phương chuẩn bị kỹ và hoàn thành trình duyệt đơn giá tính bồi thường, hỗ trợ và đơn giá tái định cư các dự án trong quý 2-2023. UBND TP sẽ xem xét, phê duyệt tất cả các dự án đầu tư công có ghi vốn bồi thường trước ngày 30-7-2023, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và vận động, thuyết phục người dân đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Đối với những trường hợp người dân đã cam kết đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng đang vướng các thủ tục như lập thủ tục kê khai di sản thừa kế hay đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, xem xét quyết định việc gửi số tiền bồi thường, hỗ trợ của các trường hợp trên vào các ngân hàng thương mại theo hình thức ký 3 bên (ngân hàng, người thụ hưởng và Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng). Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý thì lập thủ tục chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ cộng với lãi suất phát sinh theo quy định.
Sở KH-ĐT kiểm tra, rà soát lại nhu cầu đăng ký vốn của các địa phương để xem xét đảm bảo phân bổ vốn sát với nhu cầu đăng ký vốn của địa phương. Không đề xuất bố trí vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nếu địa phương và chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự án, chưa xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Không bố trí vốn cho cấu phần xây lắp khi chưa đảm bảo tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo kế hoạch, nhằm đảm bảo nguồn lực khi phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án bao gồm cấu phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây lắp.
Phối hợp Sở Tài chính, các chủ đầu tư dự án, các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch đảm bảo bố trí đủ 100% vốn để các địa phương chi trả ngay cho tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng trong dự án kể từ ngày ban hành Quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu chi trả chậm quá 30 ngày thì phải tính lãi do chậm chi trả).
UBND TP đề nghị Bí thư 21 quận, huyện và Bí thư Thành ủy Thủ Đức xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hằng năm, phải đặc biệt quan tâm. Hàng tuần tổ chức họp giao ban tiến độ các dự án đầu tư công có ghi vốn bồi thường để có những định hướng chủ trương, chỉ đạo cụ thể đối với những dự án có vướng mắc, tỷ lệ giải ngân thấp, tỷ lệ người dân đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ chưa cao.