Công tác phối hợp giám sát thuế - hải quan: Đẩy mạnh cải cách, chấn chỉnh phiền hà

Vẫn sợ cán bộ thuế, hải quan gây phiền hà

Chiều 12-12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan năm 2015. Đến dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

Vẫn sợ cán bộ thuế, hải quan gây phiền hà

Theo báo cáo “Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19 trong lĩnh vực thuế và hải quan - Khuyến nghị chính sách từ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã”, 87% trong số 180 hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã tham gia khảo sát biết đến loạt Nghị quyết 19 (về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ban hành năm 2014 và 2015). Tuy nhiên, mức độ hiểu biết còn hạn chế khi chỉ 9% đã tìm hiểu kỹ, 37% tìm hiểu tương đối kỹ, số còn lại chỉ biết sơ hoặc không có thông tin gì. Trong lĩnh vực thuế, hải quan, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI), 70% các hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã cho biết thông tin về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực thuế là sẵn có, dễ tìm; 44% đánh giá thông tin được cơ quan thuế cung cấp nhanh chóng, kịp thời... Thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là ba nhóm thủ tục được các hiệp hội doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà. Các phiền hà này đến từ thời gian giải quyết quá dài (68%) hoặc bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết (54%). Điểm đáng lưu ý là tình trạng doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều hiệp hội và liên minh hợp tác xã. Tâm lý e ngại nếu không chi, doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử (như kéo dài thời gian, yêu cầu bổ sung giấy tờ) vẫn phổ biến (55%).

Đẩy mạnh giám sát, cải cách thực sự

Theo bà Phạm Thu Hương, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam), kết quả giám sát tại 3 miền cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu, nộp, quản lý thuế đã góp phần quan trọng vào việc cải cách TTHC thuế, từng bước tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Trước những yêu cầu tiếp tục cải cách TTHC thuế, hải quan, báo cáo giám sát kiến nghị Quốc hội tiếp tục xây dựng hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đối với Chính phủ là cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 19, đôn đốc các bộ, ngành địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử... Đối với Bộ Tài chính, cần tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về thuế và hải quan để phát hiện, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều đáng mừng là 75% - 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho rằng những năm gần đây cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế, hải quan đã có những tiến bộ nhất định. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu yêu cầu, năm 2016, tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền. Bên cạnh đó là có thể triển khai thí điểm đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những địa phương có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10-15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành tài chính trong cải cách TTHC và để cải thiện hơn trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan cần yêu cầu Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ đưa những ngành được khảo sát tham gia vào chương trình này để từ đó đưa ra các biện pháp quyết liệt hơn nữa. Về lĩnh vực hải quan, đồng chí cũng cho rằng muốn giám sát tốt thủ tục trong năm tới cần đồng bộ hóa khâu kiểm tra thông quan tại chỗ và nên tập trung triển khai ở 13 tỉnh thành và cùng với đó là cần huy động các tổ chức tham gia vào cuộc khảo sát này.

Trong lĩnh vực hải quan, ba nhóm thủ tục bị đánh giá phiền hà nhất là: giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Đặc biệt là thời gian giải quyết quá dài (69%). Ở lĩnh vực thuế, 64% doanh nghiệp vẫn có tâm lý nếu không trả chi phí không chính thức sẽ bị phân biệt đối xử, như kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục