Công trình cho tương lai

Theo BBC, các nhà nghiên cứu hiện đang thực hiện dự án có tên Seabed 2030 với sự hợp tác của hãng Nippon có trụ sở tại Nhật Bản và tổ chức liên chính phủ về Biểu đồ Độ sâu tổng quát của đại dương (GEBCO). Hiện nhóm nghiên cứu đã lập được bản đồ cho khoảng 1/5 diện tích đáy đại dương trên toàn thế giới. Mục tiêu là lập bản đồ toàn bộ đáy biển vào năm 2030.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoảng 14,5 triệu km² dữ liệu về độ sâu dưới đáy biển đã được đưa vào mạng lưới bản đồ GEBCO vào năm 2019 nhưng con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với diện tích đáy đại dương trên toàn bộ hành tinh chúng ta. Giám đốc dự án Seabed 2030, ông Jamie McMichael-Phillips, cho biết: “Chúng tôi mới lập được khoảng 19%, còn tới 81% đại dương cần khảo sát và làm bản đồ. Đó là một bề mặt có kích thước gấp đôi sao Hỏa mà chúng ta cần chinh phục trong 10 năm tới. Chính vì vậy, chúng tôi kêu gọi sự cộng tác ở quy mô toàn cầu. Seabed 2030 sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác và các tiến bộ công nghệ mới. Tất cả mọi người đều có thể đóng góp một phần công sức cho hành trình lập bản đồ đại dương của chúng ta. Hành trình sẽ giúp ích rất nhiều cho nhân loại”.

Theo nhóm nghiên cứu, để đo đạc chi tiết đáy đại dương, một máy tạo tiếng vang đa âm thanh được gắn bên dưới các con tàu thực hiện nhiệm vụ sẽ gửi các xung âm thanh xuống đáy biển. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ dùng các công nghệ hiện đại để tính toán độ sâu cũng như hình dạng bề mặt đáy đại dương. Việc thu thập dữ liệu độ sâu có độ phân giải cao về địa hình đáy biển sẽ khó thực hiện đối với các vùng nước sâu. Một cách khác là dùng các vệ tinh được trang bị máy đo độ cao có khả năng tính toán địa hình đáy biển thông qua hình dạng của mặt nước bên trên đáy biển. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cho độ phân giải tốt nhất đối với những khu vực đáy biển sâu khoảng 1km và phải mất khoảng 350 năm để có thể khảo sát 93% các đại dương trên thế giới có độ sâu hơn 200ft. Trong tương lai, các công nghệ tiên tiến được triển khai có thể rút ngắn thời gian cũng như chi phí thực hiện dự án. Hiện tại, Seabed 2030 ước tính để thực hiện mục tiêu đúng hạn, dự án có thể sẽ tiêu tốn tới 3 tỷ USD.

Bản đồ đáy biển sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng cho các công ty viễn thông lắp đặt cáp quang dưới đáy biển. Đây là cẩm nang không thể thiếu đối với việc quản lý và duy trì nghề đánh bắt thủy hải sản bởi các loài sinh vật dưới biển có xu hướng tập trung tại những ngọn núi dưới đại dương, đây là những điểm nóng đa dạng sinh học. Những vùng đáy biển gồ ghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động các dòng hải lưu và sự thay đổi của mực nước biển. Đây cũng là những dữ liệu cần thiết để cải thiện các mô hình dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai. Cuối cùng, một bản đồ hoàn chỉnh sẽ là cánh tay đắc lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản dưới đáy biển.

Tin cùng chuyên mục