Công trình sai phạm chùa Hương: Sẽ điều chỉnh cho tồn tại?

Di tích bị xâm hại có hệ thống
Công trình sai phạm chùa Hương: Sẽ điều chỉnh cho tồn tại?

“Chùa Hương là thắng cảnh nổi tiếng, nhưng thật có lỗi khi nhiều năm để xảy ra tình trạng di tích luôn bị xâm phạm”, đó là chia sẻ của PGS-TS Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, trong cuộc họp nhằm đề xuất hướng giải quyết đối với hai công trình xây dựng tu bổ sai phạm ở di tích danh thắng quốc gia chùa Hương - Hà Nội do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức ngày 15-1, tại Hà Nội với sự tham dự của các nhà khoa học, đại diện Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cùng huyện Mỹ Đức.

Đề xuất điều chỉnh kiến trúc, màu sắc của công trình xây dựng lạ ở chùa Hương để hài hòa với cảnh quan di tích

Di tích bị xâm hại có hệ thống

Trong buổi họp có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, các cơ quan quản lý thừa nhận những sai phạm trong công tác tu bổ, xây dựng các công trình văn hóa nói trên là không thể chối cãi. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết, công trình tu bổ Gác chuông xét về trình tự thủ tục thì đã làm theo đúng Luật Di sản, tuy nhiên trong quá trình tu bổ lại không thực hiện đúng như hồ sơ được duyệt. Trong khi đó, công trình nhà khách trong khuôn viên chùa Thiên Trù thì hoàn toàn không đúng thủ tục.

Đại diện cho Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), ông Trần Đình Thành cũng đồng tình với nhận định này. Đối với công trình tu bổ gác chuông Thiên Trù, nhận định ban đầu của giới chuyên môn là không có sai phạm lớn do phần lớn các vật liệu, kiến trúc, hiện vật gốc đều không còn (đã bị hủy hoại từ khoảng những năm 1980). Tình trạng chung của các cấu kiện của công trình sau khi hạ giải đều đã xuống cấp nặng nề, nhiều loại gỗ khác nhau, không theo quy chuẩn nào. Hiện còn 3 chân tảng được lưu giữ, còn những cái còn lại đang được chôn ở dưới nền công trình.

Không dừng lại ở việc phân tích hai công trình sai phạm vừa mới phát hiện, PGS-TS Phạm Mai Hùng còn đau xót khi thừa nhận thực tế là: “Trong một không gian nhỏ bé ở Thiên Trù đã sừng sững mọc lên những công trình kiến trúc đối chọi, không tôn vinh nhau”. Theo ông, sai phạm ở khu vực Thiên Trù là có tính hệ thống khi ở đây xuất hiện nhiều kiến trúc mới không ăn nhập với nhau. Không chỉ là Hương Nghiêm pháp đường mà ngay hai tòa gác cao tầng nằm trên lối dẫn lên tháp chuông cũ hiện nay cũng không phù hợp với cảnh quan khu vực. Chia sẻ về điều này, PGS Trần Lâm Biền nhấn mạnh, việc cho xây dựng mới hai tháp chuông phía khu vực sân trước của Thiên Trù chính là tiền lệ dẫn đến các vi phạm khác ở chùa Hương. Tuy nhiên, PGS Trần Lâm Biền, một trong những nhà văn hóa đầu tiên lên tiếng về công trình có kiến trúc lạ ở chùa Hương, cũng cho rằng ban đầu dù chính ông nêu ý kiến phải “trảm” như tòa nhà 8B Lê Trực, song sau khi đến thực địa, ông đưa quan điểm hợp “đạo đức Phật giáo” vì thế ông nghiêng về quan điểm nên chỉnh sửa lại cho phù hợp hơn.

Gỡ bỏ toàn bộ những trang trí mang yếu tố ngoại lai

Dưới góc độ của nhà chuyên môn, đại diện Cục Di sản văn hóa đề xuất giảm tối thiểu diện tích khu vực sân phía trước chuyển sang trồng cây. “Chúng ta phải làm sao tách khối công trình ra, có cây lớn để ít nhiều che đi trong hệ thống chính, coi nó là hệ thống phụ”, ông Trần Đình Thành nói. Thay đổi màu sơn của công trình thành màu trung tính. Xem xét các chi tiết lan can đá, nên chuyển sang sử dụng chất liệu khác và đặc biệt là cần loại bỏ những chi tiết không phù hợp với truyền thống. PGS Trần Lâm Biền cũng đề xuất sửa một loạt chi tiết như đầu trụ lan can vì giống đền, cung điện Trung Quốc, thay bằng những con trụ để đặt bộ lá sen úp có đường gân...

Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà quản lý, nhà văn hóa, ông Trương Minh Tiến yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức bước đầu khắc phục bằng cách bỏ toàn bộ tháp đá nhỏ 11 tầng, thay bằng chậu hoa nhỏ, sơn lại bề mặt của tòa nhà... Về giai đoạn 2, Sở VH-TT yêu cầu địa phương đề xuất phương án thiết kế toàn bộ, chi tiết để báo cáo Sở VH-TT, Bộ VH-TT-DL cho ý kiến. Riêng công trình gác chuông chùa Thiên Trù, các cơ quan chức năng khẳng định làm đúng trình tự thủ tục như quy định tại Luật Di sản, tuy nhiên trong quá trình thi công không thực hiện đúng thỏa thuận. Trước mắt, đơn vị thi công cần cạo toàn bộ màu sơn công nghiệp ở các cột gỗ, trả lại màu gỗ tự nhiên... Ngoài ra, Sở VH-TT Hà Nội yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức thành lập ngay hội đồng đánh giá các cấu kiện hạ giải của gác chuông để đánh giá, phân loại bảo quản, hoặc tiêu hủy theo quy trình gỡ bỏ những chi tiết trang trí bằng đá như hình quái thú (được gắn trang trí ở đường thoát nước sàn), tháp đá cùng những phù điêu không thuần Việt được đặt tại nhiều vị trí dễ nhận thấy ở mặt ngoài công trình.

Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến nhấn mạnh, sẽ kiến nghị việc xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân đã để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng nói trên.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục